Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá kịch bản tăng trưởng 6,5% năm 2023 như mục tiêu đề ra là rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao.
Sáng 3/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước - thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 (kịch bản là 5,6%).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 thấp hơn kịch bản đề ra và đang phải đối mặt với nhiều nhó khăn, thách thức; lạm phát tiềm ẩn rủi ro; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn; sức ép điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao.
Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về tình hình KTXH - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngoài ra, việc phối hợp của một số bộ, cơ quan, trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả, kéo dài, lãng phí thời gian, nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên ông Dũng đánh giá, trong bối cảnh khó khăn gia tăng, nhất là tình hình kinh tế thế giới không thuận, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I/2023 cơ bản là tích cực. Tăng trưởng GDP quý I đạt mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.
6 yếu tố tác động đến kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ kế hoạch và Đầu tư), so với các năm trước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn so với năm 2022, cụ thể:
Thứ nhất, khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus và các dịch bệnh mới, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế;
Thứ hai, mức độ thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế chủ chốt nhằm xử lý áp lực lạm phát;
Thứ ba, các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga-Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế “cùng chí hướng” có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực;
Thứ tư, tiến độ thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội;
Thứ năm, nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế;
Thứ sáu, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD, ...
2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.
Theo đó, tại kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01 (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%).
Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.
Tại kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01).
Với hai kịch bản đưa ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.
Bước sang quý II/2023, Bộ trưởng kiến nghị các bộ, ngành tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước và tác động đến nước ta, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu; chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.