Kiến thức

65% cử nhân IT bị chê, 'đại bàng' công nghệ lắc đầu không đến

LƯU TRINH 03/11/2024 08:10

Theo các chuyên gia, đã đến lúc Việt Nam phải sẵn sàng “mở cửa” đón nhận các “đại bàng” công nghệ vào đầu tư, hợp tác, bằng việc giải quyết bài toán nhân lực thông qua việc thay đổi tư duy đào tạo từ sớm.

Chưa sẵn sàng

Thống kê của nền tảng tuyển dụng chuyên IT (công nghệ thông tin-CNTT) tại Việt Nam (TopDev) cho thấy, có tới 65% sinh viên IT tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp. Trên thực tế, trong 4 năm đại học, sinh viên chỉ có thời gian rất ngắn thực sự học các công nghệ lập trình thực tế để đi làm, phần lớn thời gian còn lại chia cho các môn đại cương, cơ sở, thực tập và làm đề án.

Theo các chuyên gia, việc đặt kỳ vọng sinh viên Việt Nam có thể nắm vững các công nghệ, tích lũy kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến chỉ trong thời gian đào tạo ngắn như vậy là điều bất khả thi. Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, trước khi sinh viên vào đại học đã thành thạo 1 số công nghệ lập trình như Python, Java,...

Bà Nguyễn Thu Giang - Tổng thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) chia sẻ, những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn công nghệ lớn như: Apple, NVIDIA,... Tuy nhiên, các cơ hội hợp tác vẫn chưa được hiện thực hóa. Theo bà Giang, các tập đoàn công nghệ tìm đến Việt Nam xuất phát từ 2 yếu tố: Thị trường và nguồn nhân lực, trong đó, nhân lực CNTT đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, cần có giải pháp mạnh mẽ để phát triển nguồn nhân lực CNTT cả về số lượng lẫn chất lượng.

Bàn về vấn đề này, ông Chu Tuấn Anh – Giám đốc Aptech Việt Nam đặt câu hỏi: “Tại sao trong thời điểm các “đại bàng” công nghệ đang gõ cửa tìm kiếm cơ hội, nguồn nhân lực CNTT Việt Nam lại chưa thể mở cửa đón nhận?”

Ông Tuấn Anh cho rằng, thiếu hụt nhân lực CNTT chất lượng cao không phải là câu chuyện mới, dù đã được nhắc tới hàng chục năm qua nhưng vẫn chưa có giải pháp thấu đáo. Các nỗ lực giải quyết từ trước đến nay chỉ tập trung vào đổi mới công nghệ và phương pháp đào tạo, trong khi bỏ qua yếu tố then chốt đã được chứng minh hiệu quả tại nhiều quốc gia phát triển - đó là việc phân bổ hợp lý nội dung đào tạo giữa các cấp học.

Cần chuẩn bị từ gốc

Theo ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD&ĐT), trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, yếu tố tiên quyết là nguồn nhân lực CNTT, đặc biệt nguồn nhân lực có chất lượng. Hai năm gần đây Bộ GD&ĐT xây dựng đề án trình Thủ tướng về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ số, dự kiến quý IV năm nay sẽ ban hành. Đề án đưa ra những mục tiêu, giải pháp, cũng như phương án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ số, như: bán dẫn, AI, blockchain…

65% cử nhân IT bị chê, 'đại bàng' công nghệ lắc đầu không đến ảnh 1
Cần đào tạo từ sớm chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao mở cửa đón “đại bàng” công nghệ. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Ông Nam cho rằng, hiện xảy ra một nghịch lý, nhiều người tốt nghiệp đại học chuyên ngành CNTT vẫn thất nghiệp, trong khi đó, các doanh nghiệp không tuyển dụng được người làm việc. Thực tế, doanh nghiệp cần người làm được việc. “Nghịch lý này cần được giải quyết bằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các bạn trẻ khi tốt nghiệp ra trường phải làm được việc, ngoài kiến thức chuyên ngành cần trang bị kỹ năng mềm, ngoại ngữ”, ông Nam nói.

Để làm được điều này, theo ông Nam, phải đào tạo CNTT từ sớm cho học sinh. Theo đó, từ bậc THPT, các em cần được đào tạo về CNTT, Stem, lập trình, chứ không phải đợi đến đại học mới làm quen. Cùng đó, hướng nghiệp ngành nghề về lĩnh vực CNTT từ cấp 2,3 để các em chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, tâm thế tự tin bước vào thị trường lao động đầy cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.

“Nâng cao chất lượng nhân lực CNTT chúng ta không chỉ hô hào cái ngọn đào tạo đại học mà quên phần gốc từ bậc THPT. Cần có sự đầu tư giáo dục từ sớm để các em học một cách thực chất, có kiến thức, kỹ năng làm chủ CNTT, chứ không chỉ học để lấy tấm bằng”

Ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng CNTT, Bộ GD&ĐT

“Nâng cao chất lượng nhân lực CNTT, chúng ta không chỉ hô hào cái ngọn đào tạo đại học mà quên phần gốc từ bậc THPT. Cần có sự đầu tư giáo dục từ sớm để các em học một cách thực chất, có kiến thức, kỹ năng làm chủ CNTT chứ không chỉ học để lấy tấm bằng”, ông Nam nói.

Đồng quan điểm, ông Ngô Thanh Hiền – Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam cho rằng, đào tạo CNTT tại Việt Nam cần có sự thay đổi, bắt đầu sớm từ những năm học cấp 2, cấp 3; chờ lên đại học mới học về công nghệ, lập trình là quá muộn. “Các bạn học CNTT chỉ để lấy chứng chỉ, bằng cấp thì ra trường không thể có vị trí công việc tốt được. Điều quan trọng, các bạn phải có đam mê, từ đó hình thành ý thức nghề nghiệp và đặt mục tiêu phấn đấu”, ông Hiền nói.

Cũng theo ông Hiền, các bạn sinh viên CNTT cần dõi theo và nắm bắt các xu hướng công nghệ, kịp thời chủ động, đón đầu, thích ứng với công nghệ mới để làm chủ công việc của mình.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải sẵn sàng “mở cửa” đón nhận các “đại bàng” công nghệ vào đầu tư, hợp tác. Ông nhấn mạnh, công nghệ không phân biệt tuổi tác, và giới trẻ Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội tiếp thu, làm chủ công nghệ nhanh chóng.

>> 10 công việc cực ‘khát nhân lực’ trong năm 2024: Làm tại nhà vẫn kiếm ít nhất 390.000 đồng/giờ, thậm chí không cần bằng cấp

Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin

Ứng dụng công nghệ thông tin trong di sản văn hóa

Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/65-cu-nhan-it-bi-che-dai-bang-cong-nghe-lac-dau-khong-den-post1688000.tpo
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    65% cử nhân IT bị chê, 'đại bàng' công nghệ lắc đầu không đến
    POWERED BY ONECMS & INTECH