7 tác hại khi ăn quá nhiều đậu phụ, nam giới cần đặc biệt chú ý
Đậu phụ xuất hiện trong cả bữa cơm bình dân lẫn các nhà hàng cao cấp. Đây là thực phẩm mang lại nhiều công dụng cho sức khỏe nhưng cũng có thể gây hại nếu ăn quá mức.
Lợi ích của đậu phụ
Theo lương y Bùi Đắc Sáng - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hội đồng Y Hà Nội, đậu phụ là một chế phẩm quan trọng của đậu nành đã có từ 2.000 năm trước ở Trung Quốc.
Theo Trung dược học bản thảo, đậu phụ có công dụng khoan trung, ích khí, điều hòa tỳ vị, làm tiêu chứng đầy bụng, hạ trọc khí ở đại tràng. Hằng ngày ăn đậu phụ, cơ quan tiêu hóa sẽ làm việc tốt hơn, tiêu đi kịp thời chất độc hại khỏi cơ thể, tránh tình trạng tự đầu độc, bảo vệ sức khỏe có hiệu quả.
Đậu phụ còn có tác dụng ổn định huyết áp, do đậu nành chứa nhiều lecithin và isoflavone là những chất hòa tan chất béo, ngừa lắng đọng thành mạch. Đậu phụ còn có tác động đến việc chuyển hóa mỡ ở gan và làm tăng tỷ lệ cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu. Vitamin E trong đậu phụ là chất chống oxy hóa và hòa tan chất béo, chất isoflavone cung cấp phytoestrogen làm giảm hội chứng tiền mãn kinh (bốc hỏa, cáu gắt).
Theo lương y Sáng, hiện nay, các nhà khoa học Mỹ, Anh, Singapore nghiên cứu và chỉ ra rằng nếu phụ nữ uống sữa đậu nành, ăn tào phớ giảm bớt nguy cơ ung thư vú.
Cơ thể sẽ ra sao nếu ăn quá nhiều đậu phụ?
Trong đời sống của các gia đình, đậu phụ trở thành món ăn phổ biến, được nhiều người yêu thích. Đậu phụ tốt cho cả người già và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, theo lương y Bùi Đắc Sáng, ăn quá nhiều đậu phụ và các chế phẩm từ đậu nành từ ngày này qua ngày khác có thể đối mặt với không ít vấn đề nghiêm trọng.
Thứ nhất, ăn nhiều đậu phụ gây rối loạn tình dục ở nam giới: Theo nhà dinh dưỡng học Neha Sanwalka, Ấn Độ, ăn nhiều đậu phụ có thể làm thay đổi lượng testosterone, giảm ham muốn "yêu", số lượng và chất lượng tinh trùng. Vì vậy, các bác sĩ nam khoa đều khuyến cáo nam giới không ăn quá nhiều đậu phụ tránh ảnh hưởng đến các vấn đề sinh lý sinh sản.
Thứ hai, gây các vấn đề về tuyến giáp: Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Thyroid (Anh) cho thấy isoflavone trong các sản phẩm đậu nành như đậu phụ ảnh hưởng xấu đến chức năng tuyến giáp và có thể cản trở sự hấp thụ của tuyến giáp. Nghiên cứu cũng cảnh báo ăn nhiều đậu phụ có thể tăng nguy cơ phát triển tuyến giáp.
Thứ ba, tăng quá trình hình thành sỏi thận: Đậu phụ rất giàu oxalat, nguy cơ gây ra sỏi thận. Theo kết luận của nghiên cứu đăng trên tạp chí Agriculture and Food Chemistry (Mỹ), sau khi được hấp thụ vào cơ thể từ đậu phụ, oxalat được bài tiết vào nước tiểu nhưng không thể chuyển hóa. Trong nước tiểu, oxalat kết hợp với canxi thành dạng muối không hòa tan của canxi oxalat, kết tủa tạo ra sỏi thận.
Thứ tư, ngăn ngừa hấp thụ chất khoáng: Đậu phụ chứa axit phytic, liên kết với các chất khoáng như đồng, kẽm, canxi, magiê, do đó, ngăn ngừa đường ruột hấp thụ các chất dinh dưỡng.
Thứ năm, dẫn đến thiếu i-ốt: Đậu nành dùng để chế biến thành đậu phụ có chứa saponin, chất này khiến cho i-ốt trong cơ thể bài tiết nhanh hơn. Ăn đậu phụ thường xuyên trong thời gian dài dễ làm cơ thể thiếu i-ốt, và dẫn đến các bệnh về thiếu i-ốt.
Thứ sáu, khiến bệnh gout phát tác: Đậu phụ chứa tương đối nhiều chất purine. Bệnh gout dễ tái phát nếu việc đào thải purine thất thường và nồng độ axit uric trong máu cao.
Thứ bảy, khó giảm cân: Nhiều người cho rằng ăn đậu phụ bổ sung protein thực vật, tốt cho quá trình giảm cân. Tuy nhiên, lương y Sáng khẳng định nếu bạn ăn quá nhiều có thể làm tăng lượng calo nạp vào dẫn đến tăng cân.
Lương y Sáng khuyến cáo mỗi tuần chỉ nên ăn 2 lần, mỗi lần khoảng 100g/người. Các chuyên gia khuyên không nên kết hợp đậu phụ cùng thịt dê, cải bó xôi, mật ong, quả hồng xiêm... có thể tạo ra các phản ứng không tốt cho sức khỏe.