Thị trường

Người bán lo, người ăn sợ: Thịt lợn 'thất sủng' vì liên cầu khuẩn rình rập

Bảo Linh 19/07/2025 - 18:02

Dù giá thịt không tăng, sức mua tại các chợ lại sụt giảm, phản ánh tâm lý e dè rõ rệt từ phía người tiêu dùng.

Từ đầu năm 2025 đến nay, TP Huế đã ghi nhận 37 ca nhiễm liên cầu khuẩn Streptococcus suis ở người, trong đó có một trường hợp tử vong vào đầu tháng 7. Đáng chú ý, chỉ riêng từ tháng 6 đến nay đã có đến 31 ca nhiễm, cao gấp nhiều lần so với 5 tháng đầu năm. Thông tin này khiến không ít người dân lo ngại về mức độ an toàn của thịt lợn trong bữa ăn hàng ngày.

Chị Ngọc Mai (phường Thuận Hóa) chia sẻ: “Tôi vẫn ăn thịt lợn nhưng giờ mua cẩn thận hơn. Chỉ chọn mua ở siêu thị hoặc các quầy quen, biết rõ nguồn gốc. Nấu nướng cũng kỹ lưỡng, nấu chín hoàn toàn để tránh rủi ro”. Không riêng gì người lớn tuổi, nhiều sinh viên tại Huế cũng cho biết đã “né” thịt lợn, chuyển sang ăn rau củ, đậu phụ hoặc cá, đồng thời hạn chế ăn hàng quán có món chế biến từ thịt lợn.

Tại các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự hay các chợ vùng ven như Phú Bài, Tứ Hạ, sức mua thịt lợn đã có dấu hiệu giảm rõ rệt. Nhiều tiểu thương cho biết lượng thịt bán ra sụt giảm khoảng 5–10%, chủ yếu do người mua lạ vắng bóng, còn khách quen thì mua cầm chừng. Mặc dù giá thịt lợn vẫn giữ ở mức ổn định, thịt ba chỉ dao động từ 150.000–160.000 đồng/kg, vai và mông khoảng 120.000 đồng/kg nhưng doanh thu vẫn giảm do sản lượng bán ra thấp hơn.

Người bán lo, người ăn sợ: Thịt lợn 'thất sủng' vì liên cầu khuẩn rình rập
Các tiểu thương lo lắng khi thịt lợn ế ẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ảnh minh họa

>> Phá đường dây thịt bẩn quy mô khủng tại 'thủ phủ thịt heo': Nhập 3.500 đồng/kg bán sỉ 14.000 đồng, tiêu thụ hơn 3,5 tấn mỗi ngày

Một tiểu thương tại chợ An Cựu chia sẻ: “Chúng tôi đều bán thịt có kiểm dịch, có giấy chứng nhận rõ ràng. Nhưng người tiêu dùng giờ cảnh giác hơn, họ xem kỹ từng miếng thịt, hỏi han rất nhiều trước khi quyết định mua. Quầy thịt giờ chỉ nhập vừa đủ bán trong ngày, không dám để dư qua hôm sau”.

Trước diễn biến dịch bệnh, chính quyền địa phương đã triển khai hàng loạt biện pháp kiểm soát. UBND phường Kim Long, nơi có hơn 2.400 con lợn đang nuôi yêu cầu tất cả cơ sở buôn bán thịt lợn phải xuất trình giấy kiểm dịch hợp lệ. Các ban quản lý chợ như Đông Ba, An Cựu cũng liên tục kiểm tra hoạt động kinh doanh, đồng thời tuyên truyền bà con tuân thủ quy trình chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Huế đã ra khuyến cáo cụ thể đến người dân: không ăn tiết canh, lòng lợn sống, không giết mổ hoặc tiêu thụ lợn bệnh. Đồng thời, cơ quan này cũng hướng dẫn cách phân biệt thịt lợn khỏe và lợn bệnh, dựa vào màu sắc thịt, độ đàn hồi và mùi để giúp người tiêu dùng tự bảo vệ mình khi chọn mua.

>> Việt Nam nhập khẩu 56.000 tấn thực phẩm quan trọng từ Nga và Brazil với giá rẻ hều, xuất chưa tới 4.000 tấn

Thịt lợn Mỹ tràn ngập nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á: Hơn 100.000 người lo thất nghiệp ‘sau một đêm’, Chính phủ bị chỉ trích dữ dội

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lung lay: Giá thịt lợn rơi thẳng đứng, nông dân lỗ nặng, chính quyền buộc phải cắt giảm 1 triệu con

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nguoi-ban-lo-nguoi-an-so-thit-lon-that-sung-vi-lien-cau-khuan-rinh-rap-296882.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Người bán lo, người ăn sợ: Thịt lợn 'thất sủng' vì liên cầu khuẩn rình rập
    POWERED BY ONECMS & INTECH