Xã hội

70 năm Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: Biết bao nghĩa tình

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân 30/08/2024 - 08:18

Cán bộ tập kết được học tập và sau đó chia về các tỉnh trong khắp nước, trở thành lực lượng bổ sung cho đội ngũ cán bộ nhiều ngành để vài năm sau trở lại chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Tôi sinh ra trong đợt cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 và được nuôi dưỡng trong các nhà dân ở Sầm Sơn, Thanh Hoá. Sau này, vào năm 1995 tôi đến Thanh Hóa với chủ đích là đi thăm bệnh viện, nơi tôi chào đời. Tôi và một anh bạn đi xuyên Việt từ Sài Gòn ra Hà Nội bằng xe gắn máy. Nhờ thế tôi mới đến được tận bệnh viện để chụp hình. Một số nhân viên bệnh viện thấy tôi chụp hình cái cổng bệnh viện thì có vẻ ngạc nhiên lắm.

b40d79fd89452d1b7454.jpg
Tác giả thăm bia đón tiếp các chiến sĩ miền Nam tập kết tại cảng Hới, Sầm Sơn, Thanh Hoá.

Chắc họ không biết rằng năm 1954 có sự kiện 140.000 cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc theo Hiệp định Geneva. Trong số đó có 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, chiến sĩ, 5.922 học sinh, sinh viên, 1.443 gia đình cán bộ. Họ đã được các tàu của Ba Lan, Liên Xô đưa ra tập kết ở Thanh Hóa. Địa điểm đầu tiên tập kết là cảng Lạch Hới (cảng Hới), xã Quảng Tiến, Sầm Sơn (nay là TP Sầm Sơn). Các cán bộ miền Nam sau mấy ngày hải trình mệt lả vì say sóng đã được đồng bào Thanh Hóa đón tiếp nồng hậu và chu đáo.

Cán bộ tập kết được chia ra ở nhà dân hay ở các lán dài hàng trăm mét, được phát chăn bông, thuốc men, đường sữa. Trong thời gian này họ được học tập và sau đó chia về các tỉnh trong khắp nước, trở thành lực lượng bổ sung cho đội ngũ cán bộ ở nhiều ngành để vài năm sau trở lại chiến đấu trên chiến trường miền Nam.

Tôi cũng là con em cán bộ miền Nam tập kết nhưng không hề được nằm ở bất cứ mục nào trong danh sách đó. Đơn giản là vì tôi khi ấy đang còn trong bụng mẹ. Mẹ tôi tập kết trên chuyến tàu dành cho cán bộ, vừa dắt anh trai tôi lúc đó mới 3 tuổi, vừa ì ạch mang bầu (là tôi) rất vất vả. Khi đến Sầm Sơn mấy tháng sau thì mẹ tôi chuyển dạ. Mọi người phải cáng mẹ tôi lên bệnh viện ở thị xã Thanh Hóa. Sau này mẹ tôi kể lại đó là một đêm tháng 3 rất lạnh, không điện, không đồng hồ nên không biết chính xác là mấy giờ.

Đất nước ta mấy lần biến động dân số lớn vì điều kiện lịch sử kinh tế - xã hội, như cuộc Pháp đưa dân vào Nam làm phu cao su, thời kỳ Nam tiến của bộ đội ta thời kháng chiến chống Pháp, đợt di cư của đồng bào miền Bắc vào Nam năm 1954, đợt tập kết theo Hiệp định Geneva và cuối cùng là sau đợt tổng tiến công và toàn thắng của quân dân ta năm 1975… Trong đó, đợt tập kết năm 1954 có lẽ mang nhiều dấu ấn lịch sử và sự biến động về gia đình nhất.

Có lẽ không ai đếm được có bao nhiêu đứa trẻ ra đời trên đất Bắc khi ấy được đặt tên là Hoài Nam, Hoài Trung, là Hòa Bình, Chiến Thắng … từ sự kiện tập kết ra Bắc này.

Sau này tôi về xứ Thanh và làm một bài thơ:

“Ngày mẹ tập kết ở cảng Hới ngày xưa

Đêm rét không đèn mẹ một mình chuyển dạ

Và từ đó ra đời một người, là anh, em ạ

Bao năm lưu lạc, hôm nay lại tìm về

Lặn lội đi tìm nơi cắt rốn ngày xưa

Góc phố nhà thương, mưa không nhìn mặt phố

Xin tạ ơn người cáng võng mẹ tôi tìm nơi sinh nở

Đêm ấy Sầm Sơn có rét có mưa không?”

tap ket.webp
“Điểm tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” - nơi đưa tiễn hàng chục ngàn bộ đội, cán bộ, học sinh, quân tình nguyện… của nhiều tỉnh xuống tàu ra Bắc. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Giành nhau đón bộ đội

Người dân Thanh Hóa thời điểm đó cũng rất vất vả nghèo khó nhưng họ đã nhường nhịn tất cả những gì tốt nhất của mình cho cán bộ miền Nam tập kết.

Sau này, là nhà báo, tôi cũng có dịp tìm về nơi ba mẹ tôi tập kết ở Sông Đốc, Cà Mau mấy chục năm trước. Theo lời kể của một cán bộ huyện Sông Đốc thì:

“Nơi đây trước kia rất trù phú - dưới sông, sấu lội, trên rừng, cọp um, xuống sông lượm bạc hốt vàng dễ ợt, cháu xem cửa biển mênh mông thế kia. Vào chiến tranh, tàu địch bắn phá hoài nên hoang tàn lắm. Khi thành lập khu tập kết, nơi đây mới đông vui trở lại. Văn hoá văn nghệ khắp nơi. Học chữ xoá dốt. Không còn nạn ăn cắp. Nhiều đám cưới và đám "tuyên bố" theo nếp sống mới. Trên bến dưới thuyền, cọc tàu san sát như cây không lá. Phần thì tàu cá, phần thì tàu tập kết, vui hết biết. Bà con kéo về lập lại cảng cá mua bán tấp nập. Bộ đội tập kết về là có thêm trường học, trạm y tế, thêm thầy giáo, bác sĩ khám cho dân. Từ đó bắt đầu hình thành đường sá. Dòm quanh thấy nhà tường mà lợp lá ngộ lắm".

Dân Sông Đốc lúc đó có 4 cái khó: Gạo, nước, củi, cá... Thế nhưng có được cái gì đều giúp bộ đội hết. Bộ đội ở trong nhà là bà con nấu nướng, giặt giũ giùm. Ai cũng giành nhau đón bộ đội về ở.

Ba tôi lúc đó là thư ký tòa soạn báo Nhân Dân miền Nam của sếp Trần Bạch Đằng, phải tập kết trên chuyến tàu cuối cùng. Trên chuyến tàu này có đồng chí Lê Duẩn lên tàu để nghi binh rồi xuống tàu ở lại miền Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến. Lại có cả các nhà văn Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, nhà báo Nguyễn Long Khởi lúc đó còn rất trẻ.

Ba tôi kể, khi chia tay điểm tập kết Gành Hào (một điểm tập kết lúc bấy giờ ít công bố), ba tôi và mọi người lên boong tàu ngồi nhìn vào bờ. Hàng trăm cánh tay đưa lên chào nhau, người đi kẻ ở. Tất cả đều chìa hai ngón tay lên ra dấu: Theo hiệp định hai năm nữa sẽ trở về.

Cũng có người đầy tin tưởng chỉ giơ …một ngón rưỡi, vì trừ thời gian tập trung ở Cà Mau, thời gian thật sự còn lại chỉ hơn 1 năm ruỡi chứ không phải hai năm. Tôi nghe kể lại có người lúc đó đi tập kết chỉ mang theo hai bọc thuốc lá rê, vì nghĩ chỉ đi gần hai năm… hút chừng đó là vừa.

Bác Tư Hà, một cán bộ cách mạng lão thành ở sông Đốc đã có một đúc kết ngắn gọn: “Lúc đó có ba sự hy sinh, đó là hy sinh xương máu, hy sinh sức lực và hy sinh tình cảm”. Đang thắng lợi thì phải chia tay miền Nam, chia tay người thân tập kết ra Bắc. Sau 9 năm kháng chiến gian khổ, nhiều người vừa gặp lại gia đình đã phải chia tay. Nhiều người kịp cưới trước khi đi, nhưng nhiều người mới chỉ làm lễ “tuyên bố” hứa hôn. Cũng không ít người không dám thề thốt với người yêu, vì linh cảm rằng sẽ có một cuộc chia tay kéo dài hơn như thế.

Trong cái oai hùng ngày ấy phải đâu không có nước mắt? Nhà thơ Nguyễn Bính từng theo đoàn quân Nam tiến sau đó tập kết ra Bắc đã viết: “Sao Hôm như mắt em ngày ấy, rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu” và “trời còn có bữa sao quên mọc. Anh chẳng đêm nào không nhớ em”.

Từ sự kiện tập kết ra Bắc mà sau này có một đội ngũ học sinh miền Nam trở thành cán bộ chiến sĩ cốt cán, một số đã trở về Nam chiến đấu, là những “hạt giống đỏ”. Có nhiều người trong lớp cán bộ chiến sĩ ấy được nhân dân miền Nam giao trọng trách “Con ra thưa với Bác Hồ, Việt Nam chỉ một lá cờ vàng sao” sau này đã đảm đương những trọng trách của đất nước.

Cách đây 70 năm, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam đã được ký kết, mở ra một trang mới trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng đã có quyết định mang tầm chiến lược là đưa con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho sự nghiệp cách mạng, góp phần cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

>>Cửa hàng 888 của công ty xăng dầu hàng đầu Thanh Hóa bị xử phạt

Thanh Hóa yêu cầu làm rõ việc 'có điện người dân vẫn phải đun bếp củi'

Thanh Hóa sắp có KCN công nghệ thông minh quy mô gần 180ha, trải dài tới 4 xã

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/70-nam-thanh-hoa-don-dong-bao-mien-nam-tap-ket-ra-bac-biet-bao-nghia-tinh-2316905.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    70 năm Thanh Hóa đón đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc: Biết bao nghĩa tình
    POWERED BY ONECMS & INTECH