Xã hội

Đề nghị phạt tù một cựu Chủ tịch HĐQT

Vĩ Hạ 22/07/2025 - 23:33

Cựu Chủ tịch này bị VKS đề nghị mức án cho hai tội danh “Trốn thuế” và “Không chấp hành án”.

Theo PLO, ngày 22/7, TAND khu vực 16 TP. Hồ Chí Minh (trước đây là TAND TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Quốc Tân – cựu Chủ tịch Công ty Cổ phần Tân Tân về hai tội danh “Trốn thuế” và “Không chấp hành án”.

Hai bị cáo khác là Châu Ngọc Phụng (vợ bị cáo Tân) và Trần Quốc Tuấn (em trai bị cáo Tân) cũng bị đưa ra xét xử với cáo buộc “Không chấp hành án”.

Đề nghị phạt tù một cựu Chủ tịch HĐQT - ảnh 1
Ông Trần Quốc Tân (áo xanh) cùng vợ và em trai tại tòa. Ảnh: Hữu Đăng/PLO

Cựu Chủ tịch đậu phộng Tân Tân bị đề nghị gần 5 năm tù

Tại phần tranh luận, đại diện VKSND khu vực 16 TP. Hồ Chí Minh đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Tân từ 1 năm đến 1 năm 3 tháng tù về tội “Không chấp hành án” và từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Trốn thuế”. Tổng hợp hình phạt đề nghị từ 4 năm đến 4 năm 9 tháng tù giam.

Đối với hai bị cáo Trần Quốc Tuấn và Châu Ngọc Phụng, VKS đề nghị mức án lần lượt từ 6-9 tháng tù (cho hưởng án treo) và từ 9-12 tháng tù, cùng về tội “Không chấp hành án”.

Theo đại diện VKS, dù có đầy đủ điều kiện thi hành án, các bị cáo Trần Quốc Tân, Trần Quốc Tuấn và Châu Ngọc Phụng vẫn cố tình không thực hiện bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Cơ quan thi hành án đã tiến hành các bước buộc thi hành đối với Trần Quốc Tân và các thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tân Tân nhưng những người này không chấp hành. Hành vi đó đã cấu thành tội “Không chấp hành án”.

Đề nghị phạt tù một cựu Chủ tịch HĐQT - ảnh 2
Thương hiệu đậu phộng Tân Tân từng nổi tiếng một thời. Ảnh: Internet

Ngoài ra, bị cáo Tân còn bị cáo buộc trốn thuế khi cho công ty khác thuê kho, nhà xưởng nhưng không xuất hóa đơn, không kê khai doanh thu, không ghi chép vào sổ kế toán các khoản thu từ hoạt động gia công và bán nguyên vật liệu.

Không tổ chức đại hội đồng cổ đông vì là “công ty gia đình”

Tại tòa, trả lời về lý do không chấp hành bản án, bị cáo Tân cho rằng công ty Tân Tân là "công ty gia đình", trước khi chuyển nhượng cổ phần ra bên ngoài chỉ có 3 cổ đông là ông cùng vợ và em trai. Ông cho biết vợ và em trai chỉ đứng tên sở hữu cổ phần để đủ điều kiện thành lập công ty cổ phần, do đó không tổ chức đại hội cổ đông.

"Bị cáo không có điều kiện thi hành án vì thời điểm sau 2019 bị cáo không còn điều hành công ty nữa. Đồng thời, lúc này bà Thanh cũng đã tự mình triệu tập các cổ đông để tổ chức đại hội", bị cáo Tân trình bày…

Bị cáo Trần Quốc Tuấn thừa nhận mình là thành viên HĐQT, nhận thức rõ trách nhiệm thi hành án và mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trong khi đó, bị cáo Châu Ngọc Phụng khai đã ủy quyền cho người khác thực hiện việc thi hành án, không nghĩ rằng bản án chưa được thực thi. Bị cáo cho rằng sau khi cổ phần bị cưỡng chế bán đấu giá, bà chỉ còn sở hữu 0,23% cổ phần, nên không đủ tư cách triệu tập đại hội đồng cổ đông. Vì vậy, bà đề nghị HĐXX xem xét lại hành vi "Không chấp hành án".

Theo cáo trạng, Công ty Cổ phần Tân Tân (có trụ sở tại phường Bình An, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương cũ), được đăng ký thành lập năm 2007, chuyên gia công sản xuất hàng nông sản, đậu phộng.

Công ty ban đầu có 3 cổ đông đều là người trong gia đình: ông Trần Quốc Tân (80% vốn điều lệ), bà Châu Ngọc Phụng (10%) và ông Trần Quốc Tuấn (10%). Ông Tân là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật, còn bà Phụng và ông Tuấn là Phó Tổng Giám đốc.

Giữa năm 2011, ông Tân chuyển nhượng 3.666.666 cổ phần (tương đương 45,83% vốn điều lệ) cho bà Nguyễn Thị Thanh (sinh năm 1962, TP. Hồ Chí Minh) với giá 11 tỷ đồng. Công ty cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho bà Thanh nhưng không ghi tên vào sổ cổ đông. Bà Thanh nhiều lần yêu cầu triệu tập đại hội cổ đông nhưng không được chấp nhận.

Năm 2012, bà Thanh khởi kiện yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng và được ghi tên vào sổ cổ đông. Năm 2012 và 2013, TAND TP. Dĩ An (cũ) và TAND tỉnh Bình Dương (cũ) lần lượt xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thanh, công nhận hợp đồng chuyển nhượng và quyền cổ đông của bà Thanh.

Cuối năm 2015, bà Thanh tiếp tục khởi kiện yêu cầu HĐQT triệu tập đại hội cổ đông, yêu cầu ông Tân bàn giao sổ sách, chứng từ kế toán để kiểm toán bắt buộc. Tòa phán quyết HĐQT phải triệu tập đại hội cổ đông bất thường để bầu HĐQT mới, đồng thời cho phép bà Thanh được trích lục, xem xét sổ sách, báo cáo tài chính, biên bản và nghị quyết công ty.

Theo cáo trạng khi đó, ông Tân với vai trò Chủ tịch HĐQT và em trai là thành viên HĐQT đã không chấp hành bản án đã có hiệu lực. Ngoài ra, ông Tân còn bị cáo buộc trốn thuế hơn 1,4 tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 7/2015 đến 11/2022 từ việc cho thuê kho, xưởng của công ty.

Tháng 12/2022, cơ quan công an đã khởi tố vụ án "Không chấp hành án" và "Trốn thuế". Ông Tân và em trai bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Đối với bà Phụng, dù sở hữu 10% cổ phần và là thành viên HĐQT nhưng không trực tiếp điều hành công ty. Phần cổ phần của bà đã bị cưỡng chế bán đấu giá để thi hành một bản án khác, nên cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự của bà về hành vi “Không chấp hành án”.

Chính thức phạt tù 18 năm 'Tổng Giám đốc' công ty vàng

Truy nã một nguyên Chủ tịch HĐQT

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/de-nghi-phat-tu-mot-cuu-chu-tich-hdqt-147369.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đề nghị phạt tù một cựu Chủ tịch HĐQT
    POWERED BY ONECMS & INTECH