Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí - Đạm Phú Mỹ (Mã DPM - HOSE) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022 tiếp tục báo lãi lớn.
Cụ thể trong quý 3, DPM báo doanh thu đạt gần 3.885 tỷ đồng - tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021; giá vốn bán hàng ghi nhận gần 2.400 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp thu về đạt 1.450 tỷ - tăng 450 tỷ so với cùng kỳ năm 2021; biên lãi gộp ở mức 38,3%.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giúp Đạm Phú Mỹ thu về 92,5 tỷ đồng - gấp đôi quý 3/2021 trong khi chi phí tài chính giảm nhẹ về còn 16,6 tỷ đồng (chủ yếu là chi phí lãi vay); khoản thu nhập khác cũng tăng gấp 2,9 lần cùng kỳ lên 8 tỷ đồng.
Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty lần lượt tăng lên mức 224 tỷ và 135,6 tỷ đồng.
Sau cùng, Đạm Phú Mỹ báo lãi trước và sau thuế lần lượt 1.213 tỷ đồng và 1.001 tỷ đồng - cùng tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37% so với mức lãi sau thuế 731 tỷ đồng của Đạm Cà Mau (Mã DCM) trong cùng thời điểm.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty báo doanh thu tổng đạt 14.865 tỷ đồng - tăng 90% so với thực hiện trong cùng kỳ năm ngoái đồng thời hoàn thành 86% kế hoạch doanh thu cả năm; lãi ròng đạt 4.466 tỷ đồng - gấp 3 lần cùng kỳ và vượt 28% chỉ tiêu năm 2022. Đây cũng là giai đoạn lãi kỷ lục của ông lớn ngành phân bón này tính chung 9 tháng hàng năm.
Theo giải thích từ Đạm Phú Mỹ, đà tăng của sản lượng và giá bán phân bón đã tạo nên kết quả kinh doanh tích cực trong quý 3. Biên lợi nhuận cũng cải thiện.
Kết thúc, Nhà máy Đạm Phú Mỹ thuộc PVFCCo đã sản xuất gần 900.000 tấn phân bón và hóa chất các loại - vượt xa so với kế hoạch và cùng kỳ năm 2021; sản lượng các sản phẩm chính như phân urê đạt hơn 680.000 tấn, phân NPK đạt gần 140.000 tấn, NH3 thương mại đạt hơn 50.000 tấn. Nhờ có nguồn cung dồi dào nên tổng sản lượng kinh doanh phân bón và hóa chất các loại đạt gần 940.000 tấn.
Lãnh đạo công ty cũng cho biết thêm, năm 2022 do tình hình chính trị - kinh tế bất ổn trên thế giới nên giá phân bón biến động khó lường. Tuy nhiên, nhờ kịp thời nắm bắt tốt cơ hội giá phân bón trên thế giới tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên lượng xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt khoảng 155.000 tấn - gấp 3 lần so với kế hoạch cả năm.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Đạm Phú Mỹ tăng mạnh so với đầu năm lên mức 16.762 tỷ đồng. Sau giai đoạn kinh doanh bùng nổ, DPM cũng rủng rỉnh tiền mặt và sở hữu bảng cân đối kế toán vững mạnh.
Công ty hiện có tổng cộng 9.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi có kỳ hạn - tăng mạnh so với đầu năm và chiếm 75% tài sản ngắn hạn.
Đvt: Tỷ đồng
Trong khi đó, hàng tồn kho của công ty duy trì ổn định ở mức hơn 2.700 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối, tổng nợ của công ty tăng lên mức 3.767 tỷ đồng trong đó nợ ngắn hạn chỉ ở mức 3.000 tỷ - chủ yếu là khoản phải trả người bán và chi phí ngắn hạn khác. Nợ vay và thuê tài chính ở mức 800 tỷ đồng - mức thấp đối với một doanh nghiệp đầu ngành phân bón.
Vốn chủ sở hữu của tổng công ty tăng hơn 2.770 tỷ lên mức 13.000 tỷ đồng trong đó có 5.365 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DPM cũng thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư. Gần đây, nhóm quỹ thuộc Dragon Capital đã mua hơn 1,4 triệu cổ phiếu DPM qua đó nâng tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm từ 5,9% lên 6,2%.
Kết phiên 27/10/2022, cổ phiếu DPM tăng gần 3,4% lên mức 46.000 đồng thị giá - tăng 1.000 đồng/cổ phiếu so với thời điểm đầu năm.
Xem thêm các bài viết liên quan đến #Kết quả kinh doanh quý 3/2022 #báo cáo tài chính #kết quả kinh doanh #lợi nhuận sau thuế
Novaland (NVL) chấm dứt hợp đồng kiểm toán với đơn vị thuộc Big4 sau gần một thập kỷ hợp tác
Đình chỉ kiểm toán viên liên quan báo cáo tài chính năm 2023, Quốc Cường Gia Lai (QCG) nói gì?