ADB: Kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2022

14-12-2021 16:50|Thanh Long

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa hạ dự báo tăng trưởng của nhóm quốc gia đang phát triển tại châu Á xuống 7% trong năm nay và 5,3% cho năm 2022.

Sáng 14/12, ADB đã có cập nhật mới về triển vọng kinh tế khu vực châu Á trong đó vào tháng 9/2021, đơn vị này đánh giá các nước châu Á đang phát triển sẽ tăng trưởng 7,1% cho năm nay và 5,4% vào năm 2022, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với mức dự báo hiện tại. Như vậy, triển vọng cho năm nay đã được điều chỉnh giảm nhẹ đối với tất cả các tiểu vùng, ngoại trừ Trung Á.

Cụ thể, triển vọng tăng trưởng của Đông Á bị giảm 0,1 điểm phần trăm cho cả năm nay và năm sau, lần lượt xuống còn 7,5% và 5%, trong bối cảnh có sự điều chỉnh giảm nhẹ đối với dự báo của Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực. Kinh tế Trung Quốc được dự kiến tăng trưởng 8% trong năm nay và 5,3% trong năm sau.

Đối với Nam Á, khu vực này được dự báo tăng trưởng 8,6% vào năm 2021, so với mức dự báo tăng 8,8% hồi tháng 9. Triển vọng năm 2022 của tiểu vùng vẫn duy trì ở mức 7%. Ấn Độ - nền kinh tế lớn nhất Nam Á, hiện được dự báo tăng trưởng 9,7% trong năm tài khóa 2021, kết thúc vào ngày 31/3/2022. Mức giảm 0,3 điểm phần trăm diễn ra trong bối cảnh các vấn đề về chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng đến ngành công nghiệp. Triển vọng của Ấn Độ cho năm tài khóa 2022 được duy trì ở mức 7,5%, do nhu cầu trong nước dự kiến quay trở lại mức bình thường.

Tại Đông Nam Á, triển vọng tăng trưởng năm nay được điều chỉnh giảm 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 3%, khi các nền kinh tế trong tiểu vùng áp đặt những hạn chế có trọng điểm để ứng phó với biến thể Delta. Dự báo tăng trưởng cho năm sau được tăng lên 5,1%, khi các nền kinh tế dự kiến sẽ tiếp tục nới lỏng hạn chế nói chung và phục hồi các hoạt động kinh tế.

Khu vực Thái Bình Dương được báo tăng trưởng duy trì ở mức -0,6% trong năm nay và điều chỉnh giảm nhẹ xuống còn 4,7% trong năm 2022.

Ông Joseph Zveglich, Jr., Quyền chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB nhận định, châu Á đã có nhiều tiến triển trong ứng phó với Covid-19 thông qua việc tiếp tục tiêm vaccine và có chiến lược chống dịch tốt hơn, giúp thúc đẩy triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, các đợt bùng phát mới trong quý III đã khiến tăng trưởng GDP bị chững lại. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của biến thể Omicron đang dẫn đến tình trạng bất định mới. Do vậy, những nỗ lực phục hồi gần đây sẽ phải tính đến các diễn biến này.

Trái ngược với xu hướng chung của châu Á đang phát triển, nền kinh tế Trung Á dự kiến tăng trưởng 4,7% trong năm nay. Điều này phản ánh giá cả hàng hóa cao hơn và chi tiêu công gia tăng. Dự báo cho năm tới cũng được nâng từ mức 4,2% vào tháng 9 lên tới 4,4%.

Cùng dự đoán về sự tăng trưởng của nền kinh tế châu Á, Ngân hàng Đầu tư RBC Capital Markets cho rằng trong năm tới, trọng tâm của tăng trưởng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ dịch chuyển sang khu vực Đông Nam Á. Trước tình hình đại dịch suy giảm, giá hàng hóa cao hơn đã làm xấu đi triển vọng tăng trưởng của Malaysia và Indonesia, dù rằng biến chủng Omicron đang khiến cho sự bất ổn tăng lên phần nào.

ADB: Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm tới

Kinh tế trưởng ADB: Việt Nam sẽ đạt mốc thu nhập 17.000 USD/người nếu dám đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/adb-kinh-te-chau-a-se-tang-truong-cham-lai-trong-nam-2022-120756.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ADB: Kinh tế châu Á sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2022
    POWERED BY ONECMS & INTECH