Kinh tế trưởng ADB: Việt Nam sẽ đạt mốc thu nhập 17.000 USD/người nếu dám đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới sáng tạo
TS. Nguyễn Bá Hùng cho rằng, chỉ khi dám đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng tri thức, thể chế cạnh tranh và tư duy sáng tạo, Việt Nam mới có thể chạm ngưỡng thu nhập 17.000 USD/người/năm.
Chia sẻ tại Diễn đàn “Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026–2030, định hướng đến năm 2045”, ngày 15/7, TS. Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng, thế giới đang bước vào giai đoạn cạnh tranh toàn cầu khốc liệt hơn bao giờ hết. Dư địa cho tăng trưởng truyền thống – vốn dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên và đầu tư cơ bản đang dần cạn kiệt.
"Trong bối cảnh đó, Việt Nam buộc phải trả lời câu hỏi lớn, chúng ta sẽ tiếp tục đi bằng con đường nào? Mô hình nào đủ sức dẫn dắt nền kinh tế vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn 2026–2030 và xa hơn nữa đến năm 2045?”, Chuyên gia ADB đặt vấn đề.
Dẫn lại khung lý thuyết tăng trưởng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), ông Hùng cho rằng quá trình phát triển kinh tế của một quốc gia thường đi qua ba giai đoạn: Giai đoạn 1 là tăng trưởng dựa vào các yếu tố đầu vào như lao động, vốn; Giai đoạn 2 là tăng trưởng dựa trên hiệu quả – cải thiện năng suất, tổ chức và vận hành, và giai đoạn 3 là tăng trưởng dựa vào đổi mới sáng tạo – khi công nghệ, mô hình kinh doanh và sản phẩm mới trở thành động lực chính.
"Theo khung này, các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người dưới 2.000 USD thường ở giai đoạn 1; từ 3.000–9.000 USD chuyển sang giai đoạn 2 và để vượt qua ngưỡng 17.000 USD/người/năm, thì buộc phải dựa vào đổi mới sáng tạo. Với mục tiêu đến năm 2030 tiến vào giai đoạn 2 và đến 2045 chạm mốc giai đoạn 3, Việt Nam cần thiết kế chiến lược tăng trưởng phù hợp ngay từ bây giờ", ông Hùng nói và cho rằng, chỉ khi dám đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng tri thức, thể chế cạnh tranh và tư duy sáng tạo, Việt Nam mới có thể chạm ngưỡng thu nhập 17.000 USD/người/năm.
![]() |
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng ADB. Ảnh minh hoạ. |
Việt Nam cần 'chuyển tiếp linh hoạt', không sao chép
Dẫn chứng hai mô hình tăng trưởng tiêu biểu ở châu Á là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), TS. Nguyễn Bá Hùng phân tích, đây không chỉ là bài học kinh nghiệm, mà còn là gợi ý chiến lược giúp Việt Nam xác định lộ trình riêng, phù hợp với tiềm lực quốc gia và bối cảnh toàn cầu.
Hàn Quốc, theo ông Hùng, là ví dụ điển hình về cất cánh nhờ tiếp cận ranh giới công nghệ toàn cầu, sau đó chuyển dịch sang đổi mới sáng tạo. Thành tựu lớn nhất là hiện nay Hàn Quốc đứng thứ 4 thế giới về số lượng sáng chế được cấp bằng mỗi năm. Tuy nhiên, mô hình này cũng để lại điểm trừ là sự phát triển tập trung trong tay các tập đoàn lớn (chaebol), gây ra độc quyền tự nhiên, làm hạn chế sức bật của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs).
Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) có cách tiếp cận ngược lại - doanh nghiệp nhà nước làm đầu tàu công nghệ, rồi chuyển giao cho khu vực tư nhân, đặc biệt là SMEs. Chính nhờ mô hình “lan tỏa công nghệ”, cộng thêm hệ thống hành chính công minh, không phân biệt đối xử, Đài Loan đã thúc đẩy được một hệ sinh thái cạnh tranh lành mạnh và bền vững.
TS. Hùng cũng lưu ý rằng cả Hàn Quốc và Đài Loan đến nay vẫn đang phải điều chỉnh. Hàn Quốc đang dịch chuyển sang các ngành tiêu dùng sáng tạo như làm đẹp, giải trí, trong khi Đài Loan tuy mạnh về công nghệ cao nhưng vẫn chủ yếu làm gia công (OEM) cho các thương hiệu toàn cầu như Apple.
Để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào 2045, Việt Nam phải vượt qua cả ba giai đoạn phát triển với nền móng vững chắc. TS. Hùng đề xuất 6 hướng đi chiến lược: Thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, tránh để doanh nghiệp lớn chi phối chính sách, tạo không gian cho mọi thành phần phát triển; Hỗ trợ doanh nghiệp theo kết quả đạt được (performance-based), thay vì theo quy mô hay hình thức sở hữu.
Phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, không chọn ngành, để mở rộng sự đa dạng mô hình kinh tế; Tiếp thu công nghệ toàn cầu, đặc biệt từ doanh nghiệp nhà nước, tạo mạng lưới lan tỏa cho khu vực tư nhân; Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành dịch vụ, dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo; Từng bước đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, để chuẩn bị tiệm cận giới hạn công nghệ toàn cầu trong dài hạn.
"Việt Nam không nên sao chép nguyên bản mô hình của Hàn Quốc hay Đài Loan, nhưng có thể học hỏi cách họ lựa chọn chiến lược phù hợp với từng thời điểm. Quan trọng hơn cả là khả năng thích ứng linh hoạt và đầu tư mạnh cho tương lai, từ con người đến công nghệ", TS.Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh.
>>> CEO Techcombank: Việt Nam có thể tăng trưởng 10% nếu tận dụng đúng thời cơ vĩ mô
Chính thức miễn thuế hàng hóa nhập khẩu phục vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo
Thông qua Luật KHCN (sửa đổi) và đổi mới sáng tạo: Chấp nhận rủi ro, khuyến khích sáng tạo