Dự án đường sắt đô thị số 3 gần 30.000 tỷ tại Hà Nội có diễn biến mới
Theo đề xuất, tuyến metro số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai có chiều dài khoảng 8,7km, toàn bộ đi ngầm theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh.
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 4435/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND TP. HCM, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị số 3 (đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai).
Theo đó, dự án này dự kiến sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Theo chỉ đạo, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND TP. Hà Nội, UBND TP. HCM cùng các Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 188/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội.

Đây là Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.
Dự thảo cần làm rõ các quy định về trình tự, thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó có tuyến metro số 3 đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai.
Việc xây dựng và thực hiện dự án phải đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 188/2025/QH15 và tuân thủ đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Thông báo số 213/TB-VPCP ngày 4/5/2025.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã có Công văn số 5906/BTC-QLN gửi Chính phủ liên quan đến đề xuất triển khai tuyến metro số 3 của UBND TP. Hà Nội.
Theo Bộ Tài chính, dự án đã đáp ứng đầy đủ quy định pháp luật hiện hành, đủ điều kiện để trình Thủ tướng xem xét phê duyệt theo Luật Quản lý nợ công năm 2017, Luật Đầu tư công năm 2024, Nghị định số 114/2021/NĐ-CP và Nghị định số 20/2023/NĐ-CP.
Dự án có tổng mức vốn vay nước ngoài dự kiến khoảng 1.258,32 triệu USD (tương đương 29.130 tỷ đồng), trong đó vốn vay từ ADB khoảng 801,65 triệu USD; vốn vay từ KfW khoảng 258,05 triệu USD và vốn vay từ AFD khoảng 198,62 triệu USD.
Toàn bộ phần vốn vay sẽ do UBND TP. Hà Nội đứng tên vay lại.
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất dự án và giao Bộ làm đầu mối thông báo với ADB, AFD và KfW về việc chấp thuận cấp vốn.
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội sẽ là đơn vị phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục làm việc với các nhà tài trợ để xây dựng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Theo đề xuất, tuyến metro số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai có chiều dài khoảng 8,7km, toàn bộ đi ngầm theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh.
Tuyến sử dụng kết cấu ống hầm đôi, đi song song qua các nút giao lớn như Ô Đống Mác (Vành đai 1), Mai Động (Vành đai 2), và kết thúc sau Vành đai 3.
Dự án bao gồm 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở) và 1 khu lập tàu đặt gần Trạm bơm Yên Sở.
Theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, tuyến số 3 đóng vai trò là trục giao thông kết nối khu vực phía Tây, trung tâm và phía Nam thành phố. Tuyến dự kiến thu hút khoảng 488.000 lượt hành khách/ngày ngay từ năm đầu vận hành (năm 2020 theo tính toán ban đầu).
Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên. Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.
>> Bầu Thụy muốn xây học viện bóng đá 3 sao thứ 2 Việt Nam, thứ 4 châu Á, quy mô gần 90ha