AFA Capital: Ai sẽ đưa nền kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt bậc, bà Harris hay ông Trump?
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng gay cấn, với hai ứng cử viên là Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, cả hai đều cam kết sẽ đưa nước Mỹ vào một chu kỳ phát triển mới. Tuy nhiên, liệu ai sẽ là người dẫn dắt nền kinh tế Mỹ phát triển vượt bậc?
Chương trình “Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Dân chủ hay Cộng hòa điều hành kinh tế tốt hơn?” phát sóng trên kênh YouTube Tài chính - Kinh doanh, được tổ chức bởi AFA Capital với các phân tích chuyên sâu từ ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA), CEO của AFA Capital; và ông Phan Lê Thành Long, Chủ tịch sáng lập AFA Group, Chủ tịch sáng lập của VWA và CEO của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD).
Trong chương trình, các chuyên gia của AFA Capital đã đưa ra những nhận định về các chính sách kinh tế của hai ứng cử viên, từ thuế quan, thương mại, đến chính sách tiền tệ và lạm phát.
So sánh về chính sách kinh tế: Hai hướng tiếp cận đối lập
Đội ngũ của AFA Capital phân tích rằng bà Harris và ông Donald Trump có những chính sách kinh tế rất khác biệt. Bà Harris thiên về các biện pháp tái phân phối thu nhập, bảo vệ người lao động và thúc đẩy nền kinh tế xanh, trong khi ông Trump nhấn mạnh vào việc giảm thuế doanh nghiệp và cá nhân, duy trì vị thế công nghiệp hóa truyền thống của Mỹ và khuyến khích tạo việc làm nội địa.
Bà Harris cam kết sẽ tiếp tục các gói kích thích kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng việc làm, đặt trọng tâm vào việc tăng lương tối thiểu và cải thiện điều kiện lao động. Ngược lại, ông Trump đề xuất các biện pháp bảo hộ, hạn chế nhập cư và khuyến khích các công ty nội địa thuê lao động Mỹ nhằm đưa việc làm sản xuất trở lại.
Các chỉ số kinh tế chính: Tỷ lệ thất nghiệp và thâm hụt ngân sách
Theo phân tích từ AFA Capital, tỷ lệ thất nghiệp là thước đo quan trọng trong so sánh hiệu quả kinh tế của bà Harris và ông Trump. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, người có chính sách tương đồng với bà Harris, tỷ lệ thất nghiệp đã đạt mức thấp hơn so với thời kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump. Bà Harris cam kết tiếp tục duy trì mức thất nghiệp thấp này nhờ vào các gói kích thích kinh tế lớn và các chính sách hỗ trợ lao động.
So sánh tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và Tổng thống Biden - Nguồn: Fred, AFA Capital tổng hợp và tính toán. |
Về thâm hụt ngân sách, cựu Tổng thống Trump có mức thâm hụt thấp hơn so với ông Biden, nhờ giảm chi tiêu công và áp dụng chính sách tài khóa thắt chặt hơn. Tuy nhiên, chính sách này cũng gây khó khăn cho quá trình phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Bà Harris dự kiến sẽ tiếp tục chính sách tài khóa mở rộng, với các chương trình chi tiêu lớn nhằm hỗ trợ người dân. Chính sách tài khóa của bà Harris có khả năng tăng GDP thực trong ngắn hạn nhờ vào sự kích thích tiêu dùng và việc làm, nhưng cũng có nguy cơ làm tăng thâm hụt ngân sách và lạm phát khi nền kinh tế hồi phục hoàn toàn.
So sánh mức độ thâm hụt ngân sách/GDP trung bình trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và Tổng thống Biden - Nguồn: Fred, AFA Capital tổng hợp và tính toán. |
Lạm phát: Cách tiếp cận của bà Harris và ông Trump đối với chính sách tiền tệ
Lạm phát là vấn đề lớn trong chương trình tranh cử của cả hai ứng cử viên. Bà Harris cam kết ủng hộ chính sách tiền tệ của FED với mục tiêu giữ lạm phát dưới mức 2% theo Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân PCE (Personal Consumption Expenditures - PCE). Trong khi đó, ông Trump mong muốn giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, một chính sách có thể tạo ra rủi ro lạm phát cao trong dài hạn. AFA Capital nhận định rằng chính sách này sẽ tạo ra tác động ngắn hạn tích cực đến sản xuất trong nước nhưng đồng thời làm tăng nguy cơ lạm phát nếu không kiểm soát hiệu quả.
So sánh lạm phát trung bình trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump và Tổng thống Biden - Nguồn: Fred, AFA Capital tổng hợp và tính toán. |
Chính sách thuế và thương mại
Khác biệt lớn trong chính sách của hai ứng cử viên nằm ở thuế doanh nghiệp và thương mại. Bà Harris đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28% với lý do yêu cầu người giàu đóng góp nhiều hơn vào ngân sách nhà nước. Bà cũng đề xuất các chính sách thương mại ôn hòa hơn và tái gia nhập các hiệp định thương mại đa phương. Trái lại, ông Trump đề xuất giảm thuế doanh nghiệp xuống mức 15% để thu hút các doanh nghiệp sản xuất nội địa và tăng thuế nhập khẩu để bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ. Chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump, đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, có thể sẽ tạo ra các cuộc chiến thương mại mới, ảnh hưởng đến các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Việt Nam.
So sánh chính sách thuế doanh nghiệp và thương mại của bà Harris và ông Trump - Nguồn: AFA Capital tổng hợp và phân tích. |
Nhập cư và lao động
Chính sách nhập cư của bà Harris sẽ tạo điều kiện cho người lao động nhập cư hợp pháp và duy trì chương trình chăm sóc y tế toàn diện, giúp tăng cung lao động và giảm áp lực tăng lương. Ngược lại, ông Trump chủ trương hạn chế nhập cư, bảo vệ việc làm cho người lao động nội địa. Theo các chuyên gia AFA Capital, chính sách nhập cư của bà Harris có thể góp phần giảm lạm phát dài hạn bằng cách tăng cung lao động, trong khi chính sách hạn chế nhập cư của ông Trump có khả năng làm gia tăng chi phí lao động và góp phần làm tăng lạm phát.
So sánh chính sách nhập cư và y tế của bà Harris và ông Trump - Nguồn: AFA Capital tổng hợp và phân tích. |
Dự báo tác động đến Việt Nam và nền kinh tế toàn cầu
AFA Capital cảnh báo rằng Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể nếu ông Trump tái đắc cử, bởi chính sách bảo hộ của ông có thể ảnh hưởng xấu đến các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó có Việt Nam. Việt Nam hiện là một trong những nước xuất khẩu lớn sang Mỹ, và sự phụ thuộc này có thể khiến kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro thương mại nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Nếu bà Harris đắc cử, quan hệ thương mại Mỹ-Việt có thể tiếp tục cải thiện nhờ vào chính sách thương mại ôn hòa của bà.
Triển vọng và rủi ro về quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam trong trường hợp Harris hoặc Trump đắc cử - Nguồn: Vietnam Briefing, AFA Capital tổng hợp. |
Dựa trên các phân tích của AFA Capital, cả bà Harris và ông Trump đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng trong các chính sách kinh tế. Nếu bà Harris đắc cử, nền kinh tế Mỹ có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng ngắn hạn dựa trên các gói chi tiêu lớn và hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, nguy cơ thâm hụt ngân sách và lạm phát sẽ là thách thức lớn. Nếu ông Trump đắc cử, chính sách bảo hộ và giảm thuế của ông có thể tạo ra tăng trưởng trong ngắn hạn cho sản xuất nội địa, nhưng đồng thời làm tăng nguy cơ xung đột thương mại và áp lực lạm phát cao hơn.
Cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang diễn ra đầy căng thẳng và khó đoán, nhưng dù ai thắng, cả hai sẽ phải đối mặt với bài toán làm sao để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và kiểm soát các rủi ro kinh tế vĩ mô.
>> Dự báo lãi suất và lạm phát: Quan điểm từ Goldman Sachs về chính sách tiền tệ Mỹ sau bầu cử
Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 ảnh hưởng công nghệ thế giới ra sao?
Bầu cử Tổng thống Mỹ: Các điểm bầu cử đầu tiên đóng hòm phiếu và kết quả sơ bộ