AI sẽ trở nên phổ biến với chi phí thấp trong tương lai gần, tạo ra những thay đổi mang tính cách mạng trong thế giới kinh doanh và mang lại lợi ích thiết thực cho con người.
Phát biểu tại Hội nghị thường niên lần thứ 54 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ), đồng sáng lập trung tâm nghiên cứu DeepMind của Google và là Giám đốc điều hành Inflection AI Mustafa Suleiman dự đoán về những thay đổi mang tính cách mạng trong thế giới kinh doanh sắp tới.
Theo ông, đến năm 2030, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ không chỉ có thể tự động phát minh ra các sản phẩm mới theo yêu cầu của con người, mà còn có thể tự điều hành hoạt động kinh doanh, đưa sản phẩm ra thị trường và quản lý doanh nghiệp.
Đồng thời, bản thân AI sẽ trở thành công nghệ phổ thông, được ứng dụng rộng rãi và với chi phí phù hợp, nhất là đối với các công cụ dạng mã nguồn mở.
Bản thân Mustafa Suleiman không tin tưởng vào sự phát triển của ‘trí tuệ nhân tạo tổng quát’ (Artificial General Intelligence/AGI), cho rằng các khía cạnh liên quan đến thuật ngữ này còn khá mơ hồ. Vì vậy, nhà nghiên cứu hàng đầu về AI khuyến khích nên tập trung vào mở rộng phạm vi ứng dụng thực tế và phát triển công nghệ AI hiện nay.
Trong một nghiên cứu của mình, Mustafa Suleiman đang nỗ lực thử nghiệm AI với ‘bài kiểm tra Turing hiện đại’, trong đó đặt ra yêu cầu cho cỗ máy hoạt động một cách độc lập và hợp pháp phải thu được 1 triệu USD chỉ từ 100 nghìn USD trong vòng vài tháng.
Việc đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn là chỉ vạch ra một chiến lược và biện pháp thực hiện. Máy móc sẽ phải tiến hành nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tương tác với nhà sản xuất, quản lý hậu cần, ký kết hợp đồng và triển khai các chương trình khuyến mãi.
Tuy nhiên, tất cả các quy trình này sẽ đều phải được kiểm soát bởi con người, với nhiệm vụ phê duyệt các lộ trình được vạch ra, mở tài khoản ngân hàng và xác thực. Mustafa Suleiman kỳ vọng những nghiên cứu của mình sẽ đạt được kết quả trong một vài năm tới.
Đáng chú ý, Mustafa Suleiman đề cập nhiều đến sự cần thiết phải hạn chế hệ thống AI trước khi quá muộn. Ông đang tích cực vận động chính phủ Mỹ can thiệp vào lĩnh vực phát triển AI và từng cùng các lãnh đạo hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tham dự cuộc họp với Thượng viện Mỹ năm 2023 để thảo luận về các dự luật trong lĩnh vực này.
Nhờ đó, một thỏa thuận tự nguyện giữa các nhà phát triển đã được ký kết, giúp ngăn ngừa khả năng các hệ thống AI phá hoại được tạo ra một cách cố ý.
(theo Computerra)
Bên trong 'chợ đầu mối xây trên đất công trình thủy lợi 10 năm không ai biết'
Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Petronas thúc đẩy đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam