Đại biểu quốc hội cho biết, mới nghe thông tin về việc triển khai dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô và đường vành đai 3 TP HCM, giá đất đai khu vực xung quanh đã sôi động và tăng nhiều lần.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 10/6/2022, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) thông tin, thời gian qua khi mới chỉ nghe là Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô và đường vành đai 3 TP.HCM thì giá đất đai ở khu vực này đã sôi động lên và giá tăng lên rất nhiều lần. "Nếu không có biện pháp khai thác thì nguồn lực này rất lãng phí", ông Cường nói.
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận thành phố Hà Nội (dài 58,2km); Hưng Yên (dài 19,3km); Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 85.813 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn BOT của nhà đầu tư để thực hiện đầu tư dự án. Bao gồm: ngân sách nhà nước 28.173 tỉ đồng; ngân sách địa phương 28.193 tỉ đồng; vốn BOT 29.447 tỉ đồng.
Dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM có tổng chiều dài tuyến là 76,34km (bao gồm thành phố Hồ Chí Minh 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).
Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 75.378 tỉ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện đầu tư dự án. Bao gồm: ngân sách trung ương 38.741 tỉ đồng; ngân sách địa phương 36.637 tỉ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện 2 dự án này từ năm 2022-2027.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đường vành đai 4 và vành đai 3 đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai. Cho nên là khi tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng, đại biểu nêu rõ.
Theo đó, cơ chế này được thực hiện theo phương thức là cùng với việc quy hoạch chi tiết xây dựng các tuyến đường vành đai này thì nên quy hoạch đồng thời khu vực hai bên đường này để hình thành nên các khu đô thị hiện đại, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối, các trung tâm trung chuyển hàng hóa và các hệ thống đường không chỉ là đường song hành mà kể cả các hệ thống đường kết nối trong khu vực.
Đại biểu cho rằng khi tiến hành đấu thầu các dự án này sẽ có được các khu đô thị hiện đại, khai thác nguồn lực và tránh tình trạng phát triển tự phát.
Ông Cường cũng lưu ý đến công tác giải phóng mặt bằng ngay một lần toàn bộ các phần diện tích đất đai là dự trữ cho phát triển các công trình hạ tầng trong tương lai. Hay về phương thức đầu tư đại biểu đánh giá cao khi Hà Nội kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia vào dự án.
Do đó, ngoài đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các ý kiến của nhiều đại biểu về sự cần thiết phải xây dựng hai đường vành đai, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh việc hình thành các tuyến đường này thì nó không chỉ mở rộng không gian phát triển đô thị, giảm đi áp lực về giao thông cho các đô thị trung tâm, đồng thời tạo nên một sự kết nối về không gian phát triển cho cả vùng.
Khẳng định ý nghĩa của các tuyến đường này khi được xây dựng không chỉ phát triển cho vùng mà còn phát triển cho lưu thông hàng hóa trong cả nước, thì những tuyến đường này đã được đưa vào kế hoạch phát triển ở giai đoạn 2010 và 2020, nhưng do khó khăn nguồn lực cho nên đến thời điểm này mới có điều kiện xem xét. Chính vì vậy, theo đại biểu Hoàng Văn Cường không có lý do gì trì hoãn thêm nữa.
"Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP HCM đều là đường cao tốc nhưng khác hoàn toàn với các tuyến đường cao tốc khác mà đây là cao tốc của vành đai. Do đó, khi tuyến đường này hình thành thì các lân cận quanh đường sẽ hình thành lên các trung tâm đô thị, các trung tâm thương mại, các trung tâm phân phối. Đây chính là một nguồn lực rất lớn cho quá trình phát triển ở các vùng", đại biểu nêu rõ.
Theo đại biểu Tạ Đình Thi (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), cả hai dự án này đều tách riêng dự án xây dựng công trình và dự án giải phóng mặt bằng, phân chia thành các dự án thành phần, do đó nên giao cho các địa phương chủ trì thực hiện sẽ thúc đẩy quá trình triển khai nhanh và hiệu quả hơn, tiết kiệm thời gian và kinh phí.
“Việc xác định đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương nào do địa phương đó thực hiện mà không xây dựng khung giá chung cho toàn dự án vì sẽ gây ra tình trạng so bì, giá đền bù, khiếu kiện, đặc biệt đối với các khu vực giáp ranh giữa các địa phương”, đại biểu Thi phân tích.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô và đường vành đai 3 TP HCM của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Đại biểu cho rằng, việc triển khai các dự án này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn, do có thêm hàng nghìn ha đất trở thành đất vàng, đất bạc, có thêm nhiều khu đô thị, nhiều khu công nghiệp, các trung tâm văn hóa, khoa học, trường đại học,… Vậy việc đầu tư để hoàn thành hai dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách, chắc chắn, hữu hiệu. Ông Trí bày tỏ mong Quốc hội thông qua để hai dự án sớm được triển khai để triển khai.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng lưu ý trong quá trình triển khai dự án cần xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật thật tốt, cao cấp nhất để có thể đảm bảo con đường sử dụng được khoảng 100 năm. Cần phải coi con đường là một loại bất động sản đặc biệt của quốc gia. Bất động sản này sinh lời trực tiếp và gián tiếp ngay trên thân thể con đường, ngay cạnh con đường và cả một khu vực vành đai, thậm chí cả một miền đất nước,...