Nhắc đến tên Bạch công tử, người đời sẽ nhớ đến những cuộc tình đã trở thành giai thoại của ông.
Bạch công tử tên thật là Lê Công Phước, hay còn được biết đến với cái tên “Tây nửa vời” - George Phước. Ông sinh ra tại làng Điều Hòa, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc phường 3, thành phố Mỹ Tho). Bạch công tử là con trai thứ 4 của Đốc phủ Lê Công Sủng. Đốc phủ Sủng vốn là người Bình Định, tuy nhiên, ông được chính quyền Pháp thuộc điều vào làm quận trưởng của quận Châu Thành rồi sau đó một thời gian lên làm quận trưởng quận Chợ Gạo.
Đốc phủ Sủng vốn không phải là một người giàu có, tuy nhiên, ông có một người vợ là bà Đào Thị Linh, quốc tịch Pháp, là một người nổi tiếng giàu có trong vùng. Cả hai có một người con chung là Lê Công Phước, dẫu vậy, sau một thời gian chung sống bà bị bệnh lao rồi qua đời, để lại một khối gia tài đồ sộ.
Nhờ vào thế lực, cộng với vốn liếng được thừa hưởng từ vợ, đốc phủ Sủng đã nhanh chóng tận dụng lợi thế để lao vào làm ăn kinh doanh. Chẳng mất chốc, gia tài của đốc phủ Sủng lại càng đồ sộ hơn. Để mà nói về độ giàu có thì gia tài của đốc phủ Sủng phải đứng vào hàng nhất nhì khu vực Mỹ Tho – Gò Công lúc bấy giờ.
Vào năm 1909, đốc phủ Sủng đại diện cho tỉnh Mỹ Tho đi dự hội chợ ở Pháp. Sau đó, đốc phủ Sủng tìm đủ mọi cách để đưa cậu con trai Lê Công Phước sang Pháp du học. Tuy nhiên, ông Sủng cũng không ngờ rằng đây là chuyến đi tai hại, thay vì chuyên tâm học hành, George Phước lao vào ăn chơi trụy lạc, quên lối về. Bạch công tử cũng nổi tiếng là người đào hoa, không tiếc tiền bạc cho người đẹp.
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi với cô đào nổi tiếng Phùng Há
Năm 1929, Lê Công Phước gặp nghệ sĩ Phùng Há. Người bấy giờ thường gọi George Phước là Bạch công tử nhằm phân biệt với Hắc công tử nổi tiếng xứ Bạc Liêu. Bạch công tử cũng là một trong hai người chủ của gánh hát Phước Cương, nơi quy tụ hàng loạt nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thời đó.
Thuở đó, Bạch công tử rất si mê cô đào Phùng Há, buổi biểu diễn nào của bà, ông cũng có mặt ở hàng ghế đầu. Sau khi gặp được Phùng Há, Bạch công tử lúc này lại quyết tâm làm ăn. Kết hôn xong với nữ nghệ sĩ, Bạch công tử đã tách ra khỏi gánh hát Phước Cương để thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ và giao cho vợ làm bầu gánh.
Gánh hát Huỳnh Ký thuở đó là gánh hát quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam Kỳ, đây cũng là nơi quy tụ những đào kép nổi tiếng như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiên, Ba Đồng, Chín Móm,...
Nổi tiếng là người giàu có, lại chịu chơi, Bạch công tử đầu tư cho gánh hát Huỳnh Kỳ hẳn ba chiếc ghe có gắn máy để chở đoàn đi lưu diễn trong lúc mọi gánh hát khác đều chỉ đi lại bằng ghe chèo. Với sự đầu tư của Bạch công tử, gánh hát ngày càng nổi danh khắp nơi, danh tiếng của cô đào Phùng Há cũng trở nên vang dội. Bà cùng Bạch công tử có với nhau 2 người con, 1 gái và 1 trai.
Những tưởng cuộc sống của hai vợ chồng sẽ ngày càng tốt đẹp thì Bạch công tử lại chứng nào tật nấy. Sự quan tâm của ông dành cho gánh hát cũng chỉ kéo dài được 7 năm, sau đó, ông lại lao vào các cuộc ăn chơi sa đọa, để vợ một mình vừa chăm con vừa lo gánh hát.
Trong một lần con ốm, cô đào Phùng Há ôm con đi tìm chồng thì bắt gặp ông đang say sưa bên một người phụ nữ khác. Thấy vợ con, Bạch công tử thậm chí còn quát mắng, đuổi về. Giọt nước tràn ly khiến nữ nghệ sĩ đưa ra quyết định ly hôn. Không may mắn, hai người con của bà sau đó cũng lần lượt qua đời vì đau ốm, bệnh tật.
Tiêu tốn cả gia tài với nàng công chúa thuộc dòng dõi quý tộc châu Âu
Nhắc đến Bạch công tử, người ta cũng sẽ nhắc chuyện tình của ông với nàng công chúa thuộc dòng dõi quý tộc lớn nhất châu Âu. Vào năm 1931, khi đoàn Phước Cương được mời sang Pháp biểu diễn, Bạch công tử là người hướng dẫn đoàn.
Trở lại với đất nước hồi mình còn là sinh viên, George Phước mang theo vali đầy ắp tiền bạc để thỏa sức ăn chơi. Đến “kinh đô ánh sáng, Bạch công tử kết thân với các gia đình quý tộc và sau đó làm quen được với công chúa Princesse Olga - một cô gái Nga tuổi mới lớn thuộc dòng dõi Nga Hoàng đang tỵ nạn chính trị tại Pháp.
Bạch công tử và công chúa Olga là những khách quen tại các tụ điểm ăn chơi nổi tiếng. Trong gần hai năm ăn chơi ở châu Âu, George Phước đi du lịch khắp mọi nơi. Vào mùa hè, ông cùng bạn bè tự lái xe xuống phía Nam, đón không khí trong lành tại các thành phố biển nổi tiếng của Pháp nằm bên bờ Địa Trung Hải như Cannes, Nice,... Không chỉ ăn chơi tại Pháp, Bạch công tử cùng công chúa Olga thậm chí còn vượt rặng núi Pyrénées qua Tây Ban Nha xem đấu bò hoặc khiêu vũ cùng những võ sĩ bò tót.
Mùa đông đến, Bạch công tử lại cùng bạn gái hưởng riêng lễ Giáng Sinh tại Paris, sau đó hai người đi trượt tuyết ở núi Alpes hoặc các khu du lịch, thể thao mùa đông nổi tiếng khác. Tuy nhiên, cuộc vui nào cũng có lúc tàn. Sau hai năm ăn chơi, tiêu tốn cả gia tài, cuối năm 1932, Bạch công tử về nước. Mối tình giữa ông cùng công chúa Olga cũng chấm dứt từ đó.
Những cuộc tỉ thí sặc mùi tiền giữa Hắc công tử và Bạch công tử cho cô Ba Trà
Trần Ngọc Trà - Đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa được cho là người khiến Công tử Bạc Liêu và Bạch công tử có những màn tỉ thí để đời. Người đẹp thường được biết đến với tên gọi quen thuộc là cô Ba Trà, tên tiếng Pháp là Yvette Trà. Thời đó, sắc đẹp của cô được người đương thời ví như: "Ngôi sao Sài Gòn" (Étoile de Saigon), "Huê Khôi Nam Kỳ" hay "Hoa hậu Đông Dương".
Thậm chí, vẻ đẹp của cô Ba Trà còn được cho đã gây ra cuộc đối đầu lúc đó giữa Hắc - Bạch công tử. Chuyện kể rằng, không cần cô Ba phải mở lời, cứ hễ Bạch công tử nghe cô Ba được Hắc công tử tặng món gì quý, ông sẽ tìm mua được món quà đắt hơn để tặng người đẹp.
Để được gần gũi người đẹp, Bạch công tử đã lái một chiếc xe bốn bánh thuộc loại lộng lẫy đương thời đến rước Trà xuống Cần Thơ đổi gió. George Phước còn lột hẳn chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng (thời đó vàng chỉ 60 đồng một lượng) để tặng cho đệ nhất mỹ nhân Sài Gòn xưa.
Để lấy lòng cô Ba Trà, hai vị công tử này cũng đã tổ chức cuộc thi nấu chè bằng tiền giấy. Theo tính toán, để nấu sôi được nồi chè có một kg đậu xanh, trong thời gian gần một giờ, mỗi công tử đã đốt gần 100 tờ giấy bạc. Dẫu vậy, dù Hắc – Bạch công tử hay những tay chơi tiếng tăm ở Sài Gòn và Nam Kỳ đã làm mọi cách để cưa cẩm nhưng cũng không khiến Ba Trà xiêu lòng mà thuộc về ai.
Cuối đời bi thảm, chết không có đất chôn
Trong khi Hắc Công Tử vẫn duy trì được cuộc sống phong lưu xa hoa cho tới lúc chết, chỉ đến đời hậu thế mới phải chịu cảnh khánh kiệt thì Bạch Công Tử đã phải nếm trải cảnh “lên voi, xuống chó” kể từ khi còn khá trẻ.
Cái kết cục của những cuộc chơi hoang phí vô độ đó là gia tài của mẹ cha để lại sớm vơi dần đi. Khi chưa được 50 tuổi, Bạch công tử đã ra đi. Thi hài Bạch công tử được một người quen đem về an táng trên miếng đất mà vốn là của ông nay đã đổi chủ.
Nhìn lại, những ngày cuối đời bên bàn đèn thuốc phiện cộng với hệ lụy từ đam mê tửu sắc đã khiến cho “ông hoàng phong lưu” một thuở rơi vào cảnh bi thảm, đến chết không mảnh đất chôn thây.
Giờ đây, về ấp Thạnh Khiết, xã An Thạnh Thủy, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nếu hỏi thăm mộ phần của Bạch Công Tử thì ai nấy cũng đều biết. Nhìn trên nấm mộ ghi dòng chữ “Bạch Công Tử - George – Lê Công Phước”, ít ai ngờ rằng đây là nơi an nghỉ của một con người từng vang danh ông hoàng ở Paris tráng lệ, nổi đình nổi đám ở vùng đất trù phú bên bờ sông Tiền ngày ấy.
Đây cũng là một bài học để có thể răn dạy con cháu về phong cách sống và làm người. Sống xa hoa phung phí đến lúc chết không có mảnh đất để chôn vẫn luôn là lời cảnh tỉnh đến mọi người trong mọi thế hệ.
Tham khảo:
- Đời bi kịch của Bạch Công Tử - tay chơi bậc nhất trời Nam - Vietnamnet
- Bạch công tử và cô đào Phùng Há - Báo Tuổi Trẻ
- Cuộc tình xa hoa của Bạch Công Tử với công chúa Nga - Vietnamnet
- Cuộc tình của Bạch Công Tử với đệ nhất mỹ nhân Nam kỳ - Vietnamnet
- Bí mật về Bạch công tử: Tay chơi khét tiếng, cuối đời bi thảm - Báo Dân Việt