Tại buổi chia sẻ về chiến lược đầu tư tài chính trên VnExpress mới đây, ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Hoạch định Chiến lược đầu tư, quỹ Dragon Capital Việt Nam cho rằng, mặc dù Việt Nam đang nằm trong giai đoạn khó khăn khi giãn cách xã hội song thị trường chứng khoán vẫn còn đó những cơ hội cho nhà đầu tư sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Nhìn lại lịch sử thế giới, đã từng có các thời kỳ các quốc gia phải hứng chịu những tác hại của đại dịch hay chiến tranh lên nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn ra dài hạn, những quyết định "xuống tiền" ngay trong thời gian khủng hoảng lại đem lại hiệu quả đầu tư vô cùng tốt. "Nếu vốn ban đầu là 1.000 USD đem đi đầu tư chứng khoán, số tiền thu về sau 3 thế hệ (100 năm) lên tới gần 22 triệu USD; hiệu quả hơn nhiều lần so với các kênh đầu tư vàng hay bất động sản", ông Tuấn minh họa.
Với riêng thị trường Việt Nam, trong vòng 21 năm kể từ khi thị trường chứng khoán thành lập, theo ông Tuấn, hiệu suất đầu tư cổ phiếu mỗi năm vào khoảng 16%.
"Nếu chỉ bỏ 100 triệu đồng đầu tư vào năm 2000, thì đến thời điểm hiện tại, số tiền này đã tăng lên hơn 2,2 tỷ đồng".
Tuy nhiên, chuyên gia Dragon Capital cũng khẳng định, thị trường chứng khoán là kênh đầu tư rất phức tạp. Việc xác định đỉnh, đáy, phương pháp đầu tư hiệu quả, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư F0 là điều không hề dễ dàng. Vì vậy, ông Tuấn đưa ra cho các nhà đầu tư một phương pháp có thể thu về mức sinh lời cao, đó là đầu tư "bình quân đều đặn vào thị trường".
Cụ thể, ông Tuấn ví dụ, kể cả khi nhà đầu tư quyết định "xuống tiền" tại mức đỉnh VN-Index hồi năm 2007, nếu đều đặn duy trì chỉ 10 triệu đồng/tháng vào chứng khoán thì tài sản hiện tại đã lên tới hơn 4 tỷ đồng. Hiệu suất sinh lời khoảng 11,5%/năm, cao hơn nhiều với gửi tiết kiệm ngân hàng. Điều quan trọng nhất là việc phân bổ tiền đầu tư đều đặn.
Ông Tuấn khuyến nghị, chứng khoán là một trong hai kênh đầu tư tốt nhất cho các nhà đầu tư F0 Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, thay vì gửi tiết kiệm, ông Tuấn khuyên nhà đầu tư nên đầu tư vào trái phiếu thông qua các quỹ, hiệu suất sẽ cao hơn tiền gửi từ 2 - 3%/năm. Bên cạnh đó, mục tiêu tài chính dài hạn không nên bị chi phối bởi các yếu tố ngắn hạn. Nhà đầu tư nên đầu tư càng sớm càng tốt, kể cả với số tiền nhỏ hàng tháng, song cần đều đặn
Bàn về động lực cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô, hai nhân tố mới xuất hiện gần đây trong bối cảnh dịch bệnh đó là môi trường lãi suất thấp và sự đẩy mạnh cho đầu tư công cho cơ sở hạ tầng. Đây chắc chắc là nhân tố thúc đẩy thị trường vốn mà đặc biệt là chứng khoán bùng nổ trong thời gian tới.