Bamboo Airways cũng sắp có sự đổi mới toàn diện, toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát đã có đơn xin từ nhiệm.
Ngày 21/6/2023 tới đây CTCP Hàng không Tre Việt sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Danh sách cổ đông tham dự đã được chốt vào ngày 26/5 vừa qua. Nội dung có rất nhiều vấn đề nóng, trong đó có biến động lớn về nhân sự, công bố tình hình kinh doanh năm 2022.
Toàn bộ HĐQT, Ban kiểm soát gửi đơn xin từ nhiệm
Bamboo Airways công bố tờ trình miễn nhiệm thành viên HĐQT, chấm dứt nhiệm kỳ HĐQT 2019-2024 và bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2023. Theo đó Bamboo Airways cho biết công ty đã nhận được đơn từ nhiệm của các ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm và ông Nguyễn Mạnh Quân. Vì vậy để đảm bảo hoạt động được liên tục, HĐQT trình ĐHCĐ thông qua việc chấm dứt nhiệm kỳ HĐQT 2019-2024 và bầu các thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2023-2028.
Ông Lê Bá Nguyên, ông Lê Thái Sâm và ông Nguyễn Mạnh Quân và Doãn Hữu đoàn được bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị công ty từ tháng 8/2022 thay cho các thành viên đã miễn nhiệm trước đó.
Ảnh: Hội đồng quản trị Bamboo Airways. |
Cùng với đó công ty cũng nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên Ban kiểm soát của các ông Trần Anh Tuấn, ông Phạm Văn Phùng và ông Nguyễn Đăng Khoa. Vì vậy công ty cũng trình ĐHCĐ thông qua việc chấm dứt nhiệm kỳ Ban kiểm soát 2019-2024 và bầu lại các thành viên nhiệm kỳ 2023-2028.
Hiện tại Bamboo Airways chưa công bố các ứng viên để bầu vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.
Cùng với sự thay đổi lớn về nhân sự, Bamboo Airways cũng trình Đại hội cổ đông thông qua việc tăng số người đại diện theo pháp luật của công ty từ 1 người hiện tại lên thành 3 người, bao gồm Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc và 1 thành viên HĐQT.
Lỗ 17.600 tỷ đồng năm 2022, âm vốn chủ sở hữu hơn 800 tỷ đồng
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, Bamboo Airways cho biết thị trường vận tải hàng không nội địa đã phục hồi, tuy vậy thị trường vận tải quốc tế vẫn chậm do các quốc gia trong khu vực vẫn áp dụng biện pháp hạn chế đi lại.
Do vậy Bamboo Airways đã khôi phục lại toàn bộ mạng đường bay nội địa, duy trì thị phần vận tải đạt khoảng 15-17%, đồng thời tiếp tục mở các đường bay mới ra quốc tế song song với với việc khôi phục dần các tuyến bay sẵn có. Tính đến hết tháng 12/2022 Bamboo Airways đã khai thác 40 đường bay nội địa, 14 đường bay quốc tế. Hãng đã thực hiện được 51.236 chuyến bay an toàn với 7 triệu lượt khách, tăng 200% so với năm 2021.
Cùng với việc khôi phục tuyến bay, doanh thu của Bamboo Airways cũng khả quan hơn. Kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2022 đạt 11.732 tỷ đồng, gấp 3,3 lần năm 2021. Tuy vậy chi phí vốn bỏ ra cao hơn doanh thu, khiến công ty lỗ gộp 3.200 tỷ đồng riêng từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Chi phí tài chính trong năm hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 1.100 tỷ đồng so với năm 2021, trong đó riêng chi phí lãi vay 544 tỷ đồng (tăng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ). Nợ tài chính dài hạn đến 31/12/2022 vẫn duy trì 500 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng hơn 5.800 tỷ đồng so với đầu năm, lên 10.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp gần 12.750 tỷ đồng, tăng gần 12.600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm chủ yếu do công ty trích lập dự phòng để tái cấu trúc sức khỏe tài chính. Cụ thể, Bamboo Airways đã trích lập dự phòng các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi gần 9.700 tỷ đồng và trích lập dự phòng phải thu dài hạn khó đòi 2.800 tỷ đồng
Kết quả, Bamboo Airways lỗ hơn 17.600 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến 31/12/2022 lên trên 19.300 tỷ đồng. Âm vốn chủ sở hữu 836 tỷ đồng.
Tổng tài sản giả từ 26.800 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn hơn 18.000 ty đồng. Tiền và các khoản tương đương tiền còn vỏn vẹn gần 86 tỷ đồng.