Mức lương bình thường, công việc nhạy cảm nhưng vẫn có hàng ngàn hồ sơ xin việc mỗi năm, câu chuyện thạc sĩ cũng làm ở lò hỏa táng khiến khiến nhiều người ngán ngẩm vì bằng cấp mất giá ở Trung Quốc.
Vào cuối tháng 4, tờ Xiaoxiang Morning Herald đưa tin về danh sách 8 người trúng tuyển vào vị trí nhân viên hỏa táng tại các trung tâm tang lễ thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Việc tuyển dụng công chức cho các công việc đặc thù này không có gì đáng bàn nếu trong danh sách không có tên của một người tốt nghiệp Thạc sỹ Triết học tại Đại học Trung Hoa, Hồng Kông, và một số Cử nhân ngành Kiến trúc, Hóa học ở một số trường Đại học hàng đầu của tỉnh.
Một quảng cáo tuyển dụng công nhân lò hỏa táng thu hút hàng loạt đơn đăng ký từ những người có bằng cấp từ một số trường đại học hàng đầu của Trung Quốc |
Sinh viên mới ra trường đổ xô đi ứng tuyển công việc nhà nước tại Trung Quốc những năm gần đây đã trở thành một điều bình thường nhưng tỷ lệ người làm trái ngành đã gây tranh cãi về việc lãng phí chất xám và thời gian trong ngành giáo dục nước này.
Công việc nhân viên hỏa táng thuộc nhóm nghề có mức lương tốt và ổn định nên đang thu hút sự quan tâm của người trẻ Trung Quốc. Cục Nội vụ Quảng Châu cho biết các nhân viên hỏa táng được hưởng "bian zhi" - loại phúc lợi đảm bảo công việc ổn định suốt đời. Ở Trung Quốc, chế độ "bian zhi" chỉ dành cho nhân viên các cơ quan chính quyền hoặc các tổ chức trực thuộc.
Tiêu chí ứng tuyển cho vị trí nhân viên hỏa táng cũng không hề đơn giản: trình độ học vấn thấp nhất là đại học, hộ khẩu thường trú tại Quảng Châu, có bằng lái xe. Công việc đòi hỏi họ phải chạm vào người chết, di chuyển thi thể và phải làm cả ca đêm.
Mặc dù công việc mang tính đặc thù là vậy nhưng một cán bộ tuyển dụng của TP. Quảng Châu cho biết: “Chỉ có một vài vị trí trống cho vị trí này, nhưng chúng tôi đã nhận được rất nhiều hồ sơ từ các ứng viên”.
“Mặc dù những người đảm nhận vai trò này được hưởng trợ cấp "bian zhi", nhưng mức lương hàng tháng của họ không cao như tin đồn trên mạng. Rất ít người kiếm được tới 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) mỗi tháng.” - Ông cho biết thêm.
Đến nay câu chuyện đã có 6 triệu lượt xem trên mạng xã hội Weibo và nhận về hơn 1.000 bình luận, thu hút sự chú ý của công chúng về việc tại sao những người có bằng cấp thuộc dạng “khủng”, ngành khó học lại đi tìm những công việc không hề liên quan, thậm chí yêu cầu ít hơn hẳn so với quá trình học tập của họ.
“Công việc này chỉ cần tương tác với thi thể và không cần phải đấu đá nội bộ như các vị trí công chức khác” - một cư dân mạng bình luận.
Trong khi một người khác nhận xét: “Đây là ví dụ hoàn hảo về sự hạ giá của bằng tốt nghiệp”.
Câu chuyện trên gây chú ý vì phản ánh tình trạng khốc liệt của thị trường việc làm ở Trung Quốc. Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỉ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 ở nước này đã tăng lên 15,3% trong quý đầu năm nay, trong khi nhóm từ 25 đến 29 tuổi có tỉ lệ thất nghiệp là 7,2%.
Tờ South China Morning Post cho biết có khoảng 12 triệu sinh viên tốt nghiệp sẽ rời các trường đại học ở Trung Quốc đại lục để tham gia thị trường việc làm vào mùa hè này, giữa lúc nền kinh tế ảm đạm.
>> Ngôi làng 'vàng bạc châu báu' nhiều nhất Trung Quốc một thời