Lương tăng mà giá tăng theo thì người lao động chỉ ‘cầm tiền cho đẹp’
Mức tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động chỉ với 7,2% mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo, thì việc tăng lương sẽ không còn ý nghĩa, chỉ cầm tiền cho đẹp”, TS. Bùi Sỹ Lợi cho hay.
TS. Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Về các vấn đề Xã hội (nay là Ủy ban Văn hóa và Xã hội) của Quốc hội trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh vấn đề nâng lương và giảm giờ làm cho người lao động.
Động lực cho người lao động
Hội đồng tiền lương quốc gia vừa thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 7,2% và áp dụng từ đầu năm 2026. Quan điểm của ông về mức tăng và thời điểm áp dụng này?
Về thời điểm áp dụng, thông thường, cách thức tốt nhất là triển khai áp dụng từ tháng 1 đầu năm. Bởi lẽ, đây là thời điểm doanh nghiệp tính toán giá thành của đơn vị cho hợp lý. Còn nếu áp dụng vào thời điểm giữa năm sẽ gây phức tạp hơn cho người sử dụng lao động.

Tuy nhiên, từ khi đại dịch COVID-19, chúng ta đã có tiền lệ áp dụng từ thời điểm 1/7. Do vậy, lần này cũng có thể áp dụng như vậy. So với mức trượt giá, sự tăng trưởng, cũng như tình hình đời sống của người lao động, mức tăng 7,2%, cũng chưa đáp ứng được đầy đủ, vẫn còn "hơi non".
Vì thế, cần áp dụng thời điểm tăng lương sớm, để khuyến khích và tăng năng suất, đồng thời góp phần cải thiện đời sống cho người lao động. Đây cũng là mục tiêu, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, chủ trương này cũng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khi chuyển từ chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp. Điều đó sẽ trở thành động lực, cổ vũ, động viên, và quan trọng nhất là góp phần cải thiện đời sống cho công nhân, người lao động.
Đó chính là đòn bẩy để chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và chuẩn bị cho năm 2026 cũng như giai đoạn tiếp theo đến năm 2030, phấn đấu đạt tăng trưởng 2 con số.
Trong mỗi lần điều chỉnh tăng lương, theo ông, các bộ, ngành liên quan cần có giải pháp mạnh mẽ gì để ngăn chặn tình trạng ‘té nước theo mưa’, dựa vào tăng lương để tăng giá cả hàng hóa?
Kìm chế tăng giá luôn là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của Chính phủ. Đây là mục tiêu xuyên suốt và phải được áp dụng bằng những giải pháp mạnh nhất. Bởi lẽ, mức tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động chỉ với 7,2% mà giá cả hàng hóa cũng tăng theo, thì việc tăng lương sẽ không còn ý nghĩa, chỉ cầm tiền cho đẹp.

Cho nên, phải tập trung rất cao độ, dùng các giải pháp thật mạnh để kìm chế lạm phát, giảm trượt giá để tiền lương của người lao động đúng với ý nghĩa với tiền lương thực tế. Khi quyết định tăng lương, Chính phủ cũng đã có những giải pháp căn cơ cho vấn đề này.
Đây là vấn đề rất cấp bách, luôn cần phải được quan tâm đúng mức. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các trung tâm tích trữ hàng hóa của doanh nghiệp, vì rất có thể họ sẽ dựa vào tăng lương để tăng giá.
Nâng lương, giảm giờ làm luôn là nguyện vọng nhưng...
Ngoài vấn đề tăng lương, cũng có nhiều ý kiến đề nghị cần sớm thực hiện lộ trình giảm giờ làm cho người lao động. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Nâng lương, giảm giờ làm luôn là nguyện vọng, mong muốn của cả người sử dụng lao động và người lao động. Nhưng theo tôi, trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế đang trong thời kỳ bùng nổ phát triển, nếu chúng ta lại giảm giờ làm, thì sẽ tác động đến năng suất lao động. Trong khi năng suất lao động của Việt Nam còn đang thấp.
Bên cạnh đó, cuộc sống của người lao động đang khó khăn mà lại giảm giờ làm sẽ kéo theo giảm thu nhập. Thực tế quy định không làm quá 8 giờ, nhưng người ta vẫn làm tới 12 giờ mỗi ngày. Vì lương thấp quá, nên người lao động mới phải làm thêm giờ để nuôi sống gia đình. Nếu không làm thêm thì lấy tiền đâu ra để nuôi sống gia đình, chi phí sinh hoạt hàng ngày?
Không chỉ trong nước, người lao động đi ra nước ngoài làm việc cũng phải làm thêm giờ. Tất nhiên, việc làm thêm giờ sẽ kéo theo tai nạn lao động, rồi sức khỏe giảm sút, không có nhiều thời gian dành cho gia đình, con cái... Nhưng xin được nhấn mạnh rằng, vì miếng cơm manh áo, người lao động mới phải làm như vậy!
Vì thế, chúng ta cần phải có giải pháp cho thực sự đồng bộ và cũng chưa nên tính đến việc giảm giờ làm, ngày làm vào thời điểm này. Bởi việc này chưa phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, điều kiện năng suất lao động của chúng ta hiện nay. Nhưng về mặt lâu dài, chúng ta cũng phải nghĩ đến việc này, vì đây là xu hướng tất yếu của một xã hội hiện đại.
Cảm ơn ông !
>>Để người lao động đủ sống, không chỉ tăng vài phần trăm lương tối thiểu
Để người lao động đủ sống, không chỉ tăng vài phần trăm lương tối thiểu
Chính phủ yêu cầu điều chỉnh lương tối thiểu vùng ngay trong tháng 7