Vị lãnh đạo này hiện đã từ chức sau khi gặp phải làn sóng chỉ trích dữ dội từ dư luận.
Qu Jing, cựu Phó Chủ tịch và Giám đốc truyền thông của Baidu, tập đoàn công nghệ được coi là "Google của Trung Quốc", đã gây ra một cuộc khủng hoảng về truyền thông sau khi đưa ra hàng loạt phát ngôn gây tranh cãi.
“Đừng mong có ngày nghỉ cuối tuần”
Trong một loạt video ngắn được đăng trên nền tảng Douyin mới đây, Qu nói về sự tận tâm của mình đối với sự nghiệp, phong cách quản lý nghiêm khắc và những yêu cầu không ngừng nghỉ đối với các báo cáo trực tiếp của cô.
“Tôi có thể khiến bạn thất nghiệp trong ngành này”, cựu CEO đã thẳng thừng đả kích một nhân viên từ chối đi công tác 50 ngày trong đại dịch Covid-19, khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế đi lại và kiểm dịch nghiêm ngặt.
Cô cho hay: "Tại sao tôi phải quan tâm đến gia đình nhân viên của mình? Tôi không phải mẹ chồng cô ấy. Tôi hơn bạn 10 tuổi, 20 tuổi nhưng không hề cảm thấy cay đắng hay mệt mỏi về việc đi công tác dù tôi có hai con. Bạn là ai mà nói với tôi rằng chồng bạn không thể chịu đựng được việc này?".
Qu Jing. Ảnh: CNN |
Trong một clip khác được đăng tải, Qu Jing liên tục chia sẻ về những hy sinh của cô với tư cách là người mẹ khi làm công việc này. Người phụ nữ cho biết cô làm việc chăm chỉ đến nỗi quên mất ngày sinh nhật của con trai lớn và cậu con trai nhỏ đang học lớp mấy ở trường. Tuy nhiên, những điều này không khiến cô hối hận vì đã lựa chọn con đường "trở thành người phụ nữ có sự nghiệp".
"Nếu làm việc trong lĩnh vực quan hệ công chúng, đừng mong có ngày nghỉ cuối tuần", cô chia sẻ trong video tiếp theo. "Hãy giữ điện thoại của bạn 24 giờ một ngày và luôn sẵn sàng phản hồi”.
Ngay sau đó, trong video tiếp theo, cô thậm chí còn đe dọa sẽ trả đũa những nhân viên dám phàn nàn về mình, tuyên bố họ sẽ không kiếm được một công việc khác trong ngành.
Theo CNN, sau khi công chúng phản đối kịch liệt, Qu Jing đã mất việc tại Baidu. Nguồn tin từ CNN cho hay đã nhìn thấy ảnh chụp màn hình của một hệ thống nhân sự nội bộ dường như xác nhận cô không còn làm việc tại công ty. Đến tối ngày 9/5 vừa qua, cô đã xóa chức danh “Phó Chủ tịch Baidu” ra khỏi tài khoản Douyin cá nhân của mình.
"Sự thờ ơ và thiếu sự đồng cảm với hoàn cảnh chung"
Việc Qu Jing bị sa thải lại một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi về cách làm việc độc hại tại các công ty tại Trung Quốc nói chung và các công ty công nghệ nói riêng.
Hầu hết người dùng mạng đều chỉ trích Qu vì cách làm việc hung hãn và thiếu tế nhị của cô, đồng thời cáo buộc người phụ nữ này và tập đoàn Baidu đang thúc đẩy nhân viên phải làm việc trong một môi trường "độc hại".
Baidu, tập đoàn công nghệ được coi là "Google của Trung Quốc". Ảnh: Internet |
"Trong lời nói và giọng điệu của cô ấy có sự thờ ơ sâu sắc và thiếu sự đồng cảm với hoàn cảnh chung của các đồng nghiệp", Ivy Yang, một nhà phân tích công nghệ Trung Quốc và người sáng lập công ty tư vấn Wavelet Strategy nhận xét.
"Rất nhiều điều cô ấy nói thực sự khiến tôi lo lắng, bởi vì đó là những điều khiến nhiều người đi làm cảm thấy bức xúc tại nơi làm việc của họ. Việc cô ấy nói ra điều đó theo cách rất trực tiếp và thẳng thắn đã làm ảnh hưởng đến cảm xúc của nhiều người", Yang cho hay.
“Đây là những gì các ông chủ đang nghĩ và cô ấy chỉ nói to ra mà thôi", nhà phân tích bổ sung.
Văn hóa làm việc độc hại
Lao động trẻ Trung Quốc ngày càng phản đối văn hóa làm việc quá sức và cạnh tranh cực đoan trong ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.
Làn sóng phẫn nộ với văn hóa “996”, làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối sáu ngày một tuần, bùng lên vào tháng 12/2019. Cụ thể, một nhân viên 22 tuổi của công ty thương mại điện tử Pinduoduo ngất xỉu và tử vong trên phố ở thành phố Urumqi, Tân Cương sau khi rời công sở lúc 1h30 sáng.
Lao động trẻ Trung Quốc ngày càng phản đối văn hóa làm việc quá sức và cạnh tranh cực đoan trong ngành công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ. Ảnh: Internet |
“Lối làm việc này rất có hại cho cơ thể con người. Chúng ta đã nghe rất nhiều tin tức về những trường hợp tử vong do làm việc quá sức vài năm gần đây, nhưng hệ thống làm thêm giờ biến tướng vẫn rất phổ biến. Liệu có đáng đánh đổi cuộc sống lấy tiền không?”, một người dùng mạng Trung Quốc chia sẻ.
Đi ngược với dư luận, nhà đồng sáng lập Alibaba Jack Ma đã từng thẳng thừng tuyên bố ủng hộ xu hướng "996" và gọi đó là một "phước lành" mà người lao động nhận được.
Hồi tưởng lại tuyên bố gây tranh cãi của Jack Ma, Ivy Yang gọi đó là "thời điểm bước ngoặt" khiến mọi người phải suy nghĩ lại về mối quan hệ giữa nơi làm việc và bản thân mình.
Với phong cách làm việc bất kể ngày đêm, nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được tăng trưởng mạnh hơn dự kiến vào đầu năm 2024 nhưng việc này cũng kéo theo hàng loạt các vấn đề, trong đó bao gồm khủng hoảng tài sản, đầu tư nước ngoài giảm và tình trạng tiêu dùng ảm đạm.
"Khi các công ty yêu cầu sự trung thành, thời gian và năng lượng tuyệt đối từ nhân viên của mình, nhân viên sẽ cảm thấy sự hy sinh hoặc đóng góp của họ không được đáp lại khi tình hình kinh tế ảm đạm. Điều đó trở thành xung đột trung tâm và xung đột này cũng là trọng tâm của câu chuyện Baidu", Yang nhận định.
Văn hóa làm việc "996" đang bức tử giới trẻ Trung Quốc. Ảnh: Internet |
Được biết, trước khi làm việc tại Baidu, Qu Jing từng làm phóng viên cho hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã.
Sau khi chuyển sang làm PR, cô gia nhập Huawei, một "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc nổi tiếng với "văn hóa sói ", nơi các nhân viên được kỳ vọng sẽ mô phỏng bản chất khát máu, sự dũng cảm và kiên cường của loài sói.
Năm 2021, Qu Jing gia nhập Baidu. Một cựu nhân viên của Baidu cho biết Qu đã mang văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ của Huawei đến với Baidu.
Một cựu nhân viên Baidu giấu tên cho biết Qu đã gây ra cú sốc văn hóa khá lớn khi đến Baidu, khiến khoảng 60% đội ngũ rời đi trong vòng vài tháng. Nhóm PR của Qu phải luôn sẵn sàng, bật điện thoại, trả lời tin nhắn ngay lập tức và tham dự các cuộc họp vào lúc nửa đêm và cuối tuần dù chỉ được báo trong thời gian ngắn.
Qu cũng áp dụng ngôn ngữ kiểu quân đội, yêu cầu nhóm phải "kỷ luật" để có thể "giành chiến thắng trong các trận chiến", cựu nhân viên kể lại.
Sau ồn ào, Qu đã xóa các video về phát ngôn gây tranh cãi của mình và đăng lời xin lỗi.
“Tôi đã đọc kỹ tất cả ý kiến, bình luận từ nhiều nền tảng khác nhau và có nhiều lời chỉ trích rất xác đáng. Tôi suy ngẫm sâu sắc và khiêm tốn chấp nhận chúng”, cô cho hay.
Qu cũng tìm cách tạo khoảng cách giữa nhận xét của mình và Baidu, nói rằng cô không xin phép trước và chúng không đại diện cho lập trường của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc. Qu Jing viết: “Có nhiều điểm không phù hợp được đưa ra trong video, dẫn đến hiểu lầm về giá trị và văn hóa của công ty, gây tổn hại nghiêm trọng”.