Doanh nghiệp

Báo động đỏ liên quan doanh nghiệp bị lừa đảo khi xuất khẩu

Bảo Trâm 13/08/2023 - 08:30

Các doanh nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng khi giao dịch với đối tác, nhất là khâu thanh toán, tránh mất tiền, bị lừa đảo khi xuất khẩu.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa cảnh báo về những có dấu hiệu gian lận thương mại và lừa đảo xuất khẩu xuất hiện tại nhiều thị trường, mới đây nhất là tại Trung Đông như vụ việc tại Dubai với những thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Có trường hợp là đối tác lâu năm vẫn bị lừa, hoặc đối tác thanh toán sòng phẳng lô hàng đầu tiên nhưng lừa đảo ở các lô hàng tiếp theo, với các nhà xuất khẩu khác nhau. Do đó, VPA khuyến cáo các doanh nghiệp cần đặc biệt cẩn trọng khi giao dịch với đối tác, đàm phán chặt chẽ điều khoản thanh toán để bảo đảm an toàn nhất.

VPA chỉ ra các hình thức thanh toán gặp nhiều rủi ro trên thực tế như: thanh toán T/T trả sau, nghĩa là bên mua sẽ nhận hàng rồi mới thanh toán tiền cho bên bán. Hoặc hình thức phát hành séc có giá trị trong một khoảng thời gian nhất định rồi giao cho bên bán cầm cố.

Phương thức này có nhiều rủi ro như bên mua phát hành séc mà không có tiền trong tài khoản; bên bán không thể đến ngân hàng bên mua chỉ định để nhận tiền vì không có thẻ căn cước do nước sở tại cấp.

Bên bán cũng không thể kiểm tra thông tin tài khoản của bên mua vì ngân hàng tại một số nước Trung Đông không cung cấp thông tin tài khoản khách hàng cho bên thứ 3.

"Các doanh nghiệp cần chọn các các phương thức thanh toán an toàn hơn như mở L/C (thư tín dụng) hoặc phương thức thanh toán D/P (trả tiền để nhận chứng từ)" – VPA khuyến cáo.

Với phương thức thanh toán D/P, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý các ngân hàng bên bán khi chuyển giao chứng từ cho ngân hàng bên mua phải đăng ký dịch vụ bảo đảm an toàn, cần có chụp ảnh, quay phim quá trình giao nhận, lấy đầy đủ chữ ký và kể cả thẻ căn cước của người nhận, thực hiện việc giao nhận trong trụ sở ngân hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu ngân hàng của mình thực hiện nghiệp vụ xác minh, đánh giá độ tin cậy và dịch vụ của ngân hàng bên mua.

Đồng thời, xác nhận với ngân hàng bên mua trước khi tiến hành gửi chứng từ lô hàng các thông tin chi tiết về địa chỉ và người nhận bộ chứng từ hàng để ràng buộc trách nhiệm ngân hàng gắn với bộ giấy tờ trong các trường hợp rủi ro phát sinh.

Theo một chuyên gia xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức cảnh giác với những dấu hiệu bất thường như: người mua sử dụng địa chỉ email miễn phí để giao dịch; người mua đưa ra những yêu sách dồn dập, thường xuyên thay đổi; người mua lảng tránh việc gặp mặt, tiếp xúc trực tiếp; người mua đặt mua những lô hàng đầu với số lượng nhỏ, thanh toán đầy đủ sau đó đột nhiên đặt hàng với số lượng lớn,…

Trước khi giao dịch, các doanh nghiệp cần xác minh thông tin bên mua qua các nguồn uy tín; nên sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý trong quá trình kinh doanh chứ không chỉ khí xảy ra tranh chấp.

Đại gia thủy sản miền Tây vốn nghìn tỷ bị ngân hàng rao bán tài sản

Tin vui về hàng Việt xuất khẩu, dự báo lập kỷ lục 800 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bao-dong-do-lien-quan-doanh-nghiep-bi-lua-dao-khi-xuat-khau-196333.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Báo động đỏ liên quan doanh nghiệp bị lừa đảo khi xuất khẩu
    POWERED BY ONECMS & INTECH