Bão khả năng ảnh hưởng đất liền trong tháng 7, miền Bắc còn mưa lớn đến khi nào?
Trong tháng 7, trên khu vực Biển Đông khả năng xuất hiện bão, ảnh hưởng đất liền nước ta. Mưa lớn ở miền Bắc còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan.
Theo đánh giá của các chuyên gia khí tượng, trong tháng 6, do ảnh hưởng của bão số 1 Wutip và 1 cơn áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nên nhiều nơi trên cả nước mưa lớn và lũ lụt kỷ lục ở miền Trung.
Cụ thể, sáng sớm 10/6, vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông mạnh lên thành ATNĐ, đến sáng 11/6 mạnh lên thành bão. Đây là cơn bão đầu tiên trên Biển Đông trong năm nay với sự ảnh hưởng rất “dị thường”.
Hướng di chuyển của bão đi qua Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14, sau đó tối 14/6, bão đi sâu vào đất liền Trung Quốc và suy yếu.
Đáng chú ý, hoàn lưu trước và sau bão gây ra đợt mưa lớn diện rộng từ Nam Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi vào ngày 10-13/6, có nơi trên 600mm và lũ lụt phá kỷ lục ở miền Trung.
Sau đó, trưa 24/6, vùng áp thấp trên khu vực Bắc Biển Đông mạnh lên thành ATNĐ. Tuy ATNĐ di chuyển về phía đất liền Trung Quốc và suy yếu, nhưng do ảnh hưởng của rãnh áp thấp bị nén kết hợp hội tụ gió tại các mực khí quyển trên cao nên từ 20-23/6, khu vực Bắc Bộ có mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa tại Bắc Quang (Tuyên Quang) 339mm, Thái Nguyên 360mm…

Cũng thời kỳ này, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xảy ra nhiều ngày mưa rào và giông, trong đó có ngày có mưa vừa, mưa to diện rộng. Một số trạm ghi nhận được giá trị lượng mưa cao nhất ngày và tháng vượt giá trị lịch sử.
Với diễn biến mưa trên, cơ quan khí tượng ghi nhận, tổng lượng mưa cả tháng 6 tại khu vực ven biển Đông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa và Nam Bộ thấp hơn từ 20-60% so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Các khu vực còn lại trên cả nước phổ biến cao hơn từ 20-50% so với TBNN, đặc biệt từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng cao hơn từ 300-600%, có nơi cao hơn.
Riêng về nắng nóng, theo đánh giá của các chuyên gia, số ngày và cường độ giảm hơn so với năm 2024.
Thiên tai còn diễn biến phức tạp
Trong thời kỳ 1 tháng tới, các chuyên gia nhận định, nhiệt độ trung bình các nơi phổ biến xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ, riêng khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Nam Bộ có nơi cao hơn 0,5-1 độ.
Nắng nóng tại Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Huế và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ không gay gắt như cùng kỳ năm 2024.
Cũng thời kỳ dự báo, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một số đợt mưa lớn diện rộng. Tại khu vực cao nguyên Trung Bộ và Nam Bộ tiếp tục có nhiều ngày mưa giông, có ngày có mưa to đến rất to, thời điểm mưa tập trung vào chiều tối.
Về tổng lượng mưa, tại Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị phổ biến cao hơn TBNN cùng thời kỳ từ 20-50%; các khu vực còn lại thấp hơn từ 5-15%.
Đáng lưu ý, trong tháng 7 này, trên khu vực Biển Đông số lượng bão/ATNĐ có khả năng ở mức tương đương so với mức TBNN và có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta (TBNN: trên Biển Đông 1,6 cơn, đổ bộ 0,9 cơn).
Trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Đặc biệt đề phòng mưa lớn có thể gây ra lũ lụt, ngập úng ở các vùng trũng và sạt lở đất ở vùng núi.
Trước mắt, liên quan đợt mưa lớn đang diễn ra ở Bắc Bộ, cơ quan khí tượng dự báo, đến 3/7 mới giảm dần. Tuy nhiên, từ trưa 3-9/7, khu vực còn duy trì mưa rào và giông rải rác, riêng vùng núi cục bộ có nơi mưa to (mưa tập trung vào chiều tối và đêm).
Với những diễn biến thời tiết vừa qua, các chuyên gia khí tượng nhận định mức độ thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường và không còn quy luật.