Cụm di tích cổ này được cho là có liên quan đến cố đô của Vương quốc Việt, trước thời nhà Tần (221-2017 TCN).
Theo thông tin từ Tân Hoa Xã, các nhà khảo cổ Trung Quốc vừa công bố thông tin chi tiết về một cụm di tích công trình ở tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc. Khu vực này có tất cả 10 địa điểm quy mô lớn, kể từ năm 2020, khai quật phần còn lại của các tòa nhà lớn và nhiều hiện vật cổ khác nhau, có ý nghĩa to lớn cho nghiên cứu trong tương lai.
Cụm di chỉ khảo cổ này có tổng diện tích khoảng 7km2, bao gồm 3 địa điểm chính là Tingshan, Nanshan và Nanshantou. Di chỉ này nằm gần lăng mộ hoàng gia của nhà sáng lập triều đại nhà Hạ (2070-1600 TCN).
Xu Xinmin - nhà nghiên cứu từ Viện di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Chiết Giang - cho hay, trong số những phát hiện quan trọng nhất có lớp tàn tích công trình dày 180 cm nằm trên đỉnh núi Tingshan. Một số tàn tích và hố nghi lễ chứa tàn tích của các lễ vật hiến tế cũng được tìm thấy tại di chỉ Tingshan.
Tại phía nam di chỉ Tingshan, các nhà khảo cổ cũng khai quật được một nền móng tòa nhà lớn, với trang trí sơn mài tinh xảo được vẽ tại phần còn sót lại của các cột. Ông Xu giải thích, tòa nhà là không gian cho nghi lễ công cộng cao cấp vào thời điểm đó. Trong khi đó, một số nền móng được khai quật tại di chỉ Nanshan chứa nhiều đồ gốm, đồ sứ nguyên sơ, đồ kim loại, đồ tre và đồ gỗ, cũng như hài cốt động vật và thực vật.
Đáng chú ý, nhiều đồ vật bằng đồng, trong đó có 1 ngọn giáo và 1 rìu có dòng chữ chỉ nhà vua cùng 7 thanh kiếm cũng được phát hiện tại di chỉ Nanshan. Xương gia súc, lợn, hươu và cá nước ngọt cũng được tìm thấy tại di chỉ này. Điều bất ngờ là xương ngựa hiếm có từ Vương quốc Việt và xương cá ngừ - vốn chỉ có thể tìm thấy ở vùng biển sâu - cũng nằm trong số những hiện vật được tìm thấy ở đây.
Tại di chỉ Nanshantou, các nhà nghiên cứu tìm thấy một viên ngói lớn dài 48 cm và rộng 36 cm. Nhà khảo cổ Xu chỉ ra, viên ngói cho thấy quy mô tráng lệ của tòa nhà tại di chỉ này.
Dựa trên những phát hiện mới, các nhà nghiên cứu đi đến kết luận sơ bộ rằng, 3 địa điểm chính - cụ thể là Tingshan, Nanshantou và Nanshan - được liên kết với nhau để tạo thành một khu vực chức năng cho vùng lõi của Vương quốc Việt, có thể thuộc về thủ đô của vương quốc.
Được gọi chung là khu phức hợp Tingshan, di chỉ khảo cổ này có thể tiết lộ cơ cấu tổ chức xã hội, nền kinh tế, giao thông, thương mại và các điều kiện đời sống xã hội khác trước và sau khi thành lập Vương quốc Việt, có tính đến môi trường đầm lầy vào thời điểm đó, với những ngọn núi hướng ra biển và các con sông chảy qua lãnh thổ nước này.
Luo Rupeng - nhà nghiên cứu tại Viện di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Chiết Giang - cho hay, việc phát hiện khu phức hợp Tingshan có ý nghĩa rất quan trọng với nghiên cứu khảo cổ học thời nhà Thương và nhà Chu (1600-256 TCN) ở Chiết Giang.
Các cơ quan nghiên cứu khảo cổ địa phương, bao gồm Viện di tích văn hóa và khảo cổ học tỉnh Chiết Giang, đã tiến hành khai quật tại di chỉ này từ năm 2020, với diện tích khai quật tích lũy tới nay là hơn 20.000m2.