Bất nhất trong cách xác định giá trị tài sản ở vụ án Vũ “nhôm”, Chánh án TAND tối cao giải trình trước Quốc hội
Tại kỳ họp thứ 6 sáng 20/11, đại biểu Quốc hội tại đoàn Đà Nẵng đã chỉ ra vụ án Vũ "nhôm" không thống nhất xác định trị giá tài sản thiệt hại và đề nghị TAND giải thích.
Đại biểu quốc hội đặt ra nghi vấn về tính đồng nhất trong việc định giá thiệt hại tài sản ở 3 khu đất tại Đà Nẵng
Trong kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) góp ý về 2 vụ án của người dân liên quan đất đai xảy ra tại TP Đà Nẵng trong các năm 2010, 2011. Qua nghiên cứu đơn và các bản án, đại biểu Thúy nhận thấy có sự khó hiểu và khó lí giải về việc thẩm định giá tài sản trong các bản án đã tuyên: "Nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm bị cáo thực hiện hành vi phạm tội, nơi thì căn cứ giá trị tài sản tại thời điểm khởi tố để xác định trách nhiệm hình sự của bị cáo".
Vụ thứ nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và các bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, được Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội xử sơ thẩm ngày 30/1/2019 và TAND cấp cao xử phúc thẩm ngày 13/6/2019 xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản của nhà nước mua, thuê trái phép, trị giá thiệt hại của tài sản được xác định tại thời điểm các bị cáo thực hiện phạm tội là năm 2010 và 2011.
Viện trưởng VKSND tối cao đã kháng nghị bản án trên và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao sửa bản án theo cách xác định trị giá thiệt hại tại thời điểm khởi tố.
Vụ thứ hai là vụ cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội Vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai.
2 vụ án đều được TAND TP Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử đều liên quan tới 3 tài sản nhà nước tại TP Đà Nẵng: một là nhà đất số 319 đường Lê Duẩn; hai là dự án Việt ven biển, đường Trường Sa; ba là đất công viên An Đồn cũ, nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy trong vụ án này, cả bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội ngày 13/1/2020 và bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP Hà Nội ngày 12/5/2020 lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố vụ án (năm 2018).
Hiện Phan Văn Anh Vũ (thường gọi là Vũ “nhôm) đang chấp hành hình phạt tổng hợp 30 năm tù về nhiều tội danh như: cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Phạm vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ rộng, liên quan tới nhiều vụ việc, nhiều đối tượng. Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT bộ Công an, hai cựu Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã lợi dụng quyền hạn để tạo điều kiện cho Vũ "nhôm" mua rẻ hàng chục bất động sản. Số tiền mà các bị can gây thất thoát của nhà nước là gần 20.000 tỷ đồng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Chánh án TAND tối cao trả lời cho đại biểu Quốc hội và cử tri được biết vì sao tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản nhà nước ở 2 vụ án nói trên. Thứ 2 là bản án phúc thẩm ngày ngày 12/5/2020 có sự sai về quy định của pháp luật về việc xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không?
Đồng thời, nữ đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND cần có động thái để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử hai vụ án nêu trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật.
Chánh án TAND tối cao xác định không có lỗi “sai” khi định giá
Trả lời về vấn đề trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng cần phải xác định ở thời điểm phạm tội vì tất cả các yếu tố cấu thành phạm tội đều phải được xác định ở một thời điểm - đó là thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, không thể có việc các hành vi động cơ, mục đích, thủ đoạn xác định ở thời điểm sự kiện phạm tội xảy ra, còn riêng hậu quả thì để vài ba năm sau khi khởi tố mới xác định, điều đó là không công bằng.
Bên cạnh đó, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội phải do chính hành vi đó gây ra chứ không phải do các yếu tố bên ngoài.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu ví dụ, 1 lô đất ở năm nay giá 100 tỉ đồng, sang năm lên 200 tỉ đồng, sang năm sau nữa lên 300 tỉ đồng... đó là do thị trường chứ không phải hành vi phạm tội gây ra. Đối với những vụ buôn lậu, trộm cắp, tham ô như trộm cắp, tham ô máy tính, điện thoại... giá trị đất thì tăng theo thời gian nhưng giá trị máy tính, điện thoại sẽ giảm theo thời gian, như vậy một hành vi phạm tội sẽ tăng, một hành vi phạm tội sẽ giảm.
Về hành lang pháp lý, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã có nghị quyết, hướng dẫn tất cả các vụ án phải xử khắc phục hậu quả ở thời điểm xảy ra vụ án chứ không phải ở thời điểm phát hiện vụ án, vì có thể nhiều năm sau mới phát hiện.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết của hội đồng thẩm phán, trái với nghị quyết, không đúng sẽ phải xem xét lại.
Đối với ý kiến đại biểu đưa ra một số vụ án cụ thể, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết việc xem xét lại các vụ án đã xác định không đúng thời điểm xác định hậu quả phải theo trình tự của luật định.
"Đại biểu có đề nghị tòa án phải làm cái này cái khác. Nhưng việc xem xét một vụ án phải theo trình tự của luật định. Tòa án không thể căn cứ ý kiến tại hội trường hay của ai đó để xem xét mà phải căn cứ trình tự của pháp luật tố tụng" - Chánh án TAND tối cao nói.
Sau Tháp nước Hàng Đậu, nhà máy xe lửa 120 năm tuổi đông nghịt người ghé thăm
Tạm giữ hình sự 4 người trong vụ nhóm vệ sĩ 'điều tiết giao thông' cho đoàn xe cưới ở Thanh Hóa
Nhiều tài sản liên quan đến vợ chồng Vũ 'nhôm' được gỡ ngăn chặn, phong tỏa