Điểm đến

Bên trong bệnh viện hơn 2.000m2 được xây dựng trong lòng núi đá vôi ở miền Bắc: 3 tầng rộng rãi, tọa lạc tại một trong những huyện đảo đẹp nhất vùng

Thùy Dung 27/01/2024 16:02

Nơi đây từng là bệnh viện dã chiến nằm hoàn toàn trong lòng núi và được xây dựng từ những năm kháng chiến chống Mỹ.

Ra đời trong bom đạn

Hang Quân y nằm cách trung tâm thị trấn Cát Bà 13km, ngay bên đường đi Vườn quốc gia, thuộc khu Khe Sâu, thôn Hải Sơn, xã Trân Châu, huyện Cát Hải (Hải Phòng). Bệnh viện được xây dựng trong thời gian kháng chiến chống Mỹ phong tỏa miền Bắc bằng tàu chiến và máy bay những năm 1963-1965, với nhiệm vụ chính là cứu chữa các chiến sĩ thuộc lực lượng hải quân, phòng không không quân và du kích quân trên huyện đảo Bạch Long Vỹ và Cát Bà bị thương.

Trước đây, hang Quân y Cát Bà mang tên hang Hùng Sơn, được đặt theo tên một vị tướng từng tham gia trong chiến trận sông Bạch Đằng, phục vụ triều đình chống giặc Ân. Trong cuộc chiến tranh Mỹ tại miền Bắc Việt Nam, người dân đảo Cát Bà đã biến đổi hang đá vôi tự nhiên thành bệnh viện dã chiến. Từ đó, hang được gọi là hang Quân y.

Lối dẫn vào hang Quân y hiểm trở

Lối dẫn vào hang Quân y hiểm trở

Hang Quân y Cát Bà được xây dựng bằng bê tông, cốt thép có diện tích 2.000m2, với tổng cộng 3 tầng, 17 phòng bệnh và nhiều phòng chức năng khác. Nơi đây từng là nơi điều trị cho hơn 100 thương binh. Điểm đặc biệt của hang Quân y Cát Hải chính là cấu trúc bên trong hoàn toàn kín đáo, ẩn mình trong lòng động Hùng Sơn. Do đó, toàn bộ bề ngoài vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ và tráng lệ ban đầu. Đây là vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời mà du khách có thể thấy khi rời khỏi hang.

Đây từng là nơi chữa trị cho nhiều thương binh trong thời chiến

Đây từng là nơi chữa trị cho nhiều thương binh trong thời chiến

Trở thành điểm đến thú vị không nên bỏ lỡ

Có thể thấy rằng, Hang Quân y là một công trình mang tính lịch sử và nghệ thuật, hòa quyện giữa tự nhiên và sự sáng tạo đỉnh cao của con người, bất chấp thời kỳ chiến tranh khó khăn. Hiện nay, khu vực này đã được phục dựng để tại hiện lại hiện trạng nguyên vẹn của bệnh viện dã chiến này khi vẫn còn hoạt động, tạo điều kiện để du khách thập phương có cơ hội được tham quan, khám phá.

Một số hình ảnh từ thời kháng chiến đã được phục dựng lại để khách du lịch dễ dàng tìm hiểu

Một số hình ảnh từ thời kháng chiến đã được phục dựng lại để khách du lịch dễ dàng tìm hiểu

Hang bao gồm 3 tầng, tuy nhiên khách du lịch chỉ được tham quan 2 tầng đầu vì lối lên tầng 3 quá nguy hiểm nên đã được lập rào chắn để tránh tai nạn có thể xảy ra. Ngay ở cánh cửa đầu tiên dẫn lối vào hang, du khách sẽ bắt gặp một cánh cửa sắt với thiết kế đặc biệt. Cánh cửa cong gồ lên ở giữa rồi thoải dần 2 bên khiến cho bom đạn khi bắn vào cánh cửa này sẽ chệch sang hai bên để bảo vệ cánh cửa không bị hỏng.

Tầng 1 được phân chia đầy đủ những phòng ban gồm phòng họp, phòng chứa đạn dược, phòng trị thương... và là nơi sinh hoạt trực tiếp của bộ đội. Trong các phòng đều có các mô hình chiến sĩ và các hiện vật còn sót lại từ thời chiến tranh.

Đường đi trong hang khá hẹp và có trang bị ánh sáng ở khắp mọi nơi để du khách tham quan. Tuy nhiên ánh sáng ở đây lại khá yếu nên có đôi chỗ cần phải sử dụng đèn pin hoặc đèn điện thoại mới thấy rõ được. Đi tới cuối dãy hành lang tầng 1 sẽ là một lối nhỏ dẫn lên tầng 2. Tầng 2 được thiết kế gồm 2 lối lên đó là bậc đá và thang sắt được gắn trên tường phòng khi có việc khẩn cấp.

Khu vực tầng 2 và tầng 3 hầu như vẫn giữ nguyên cấu tạo của hang đá tự nhiên, không bị thay đổi nhiều, gồm các vòm hang chỗ cao, chỗ lại rất thấp, được tận dụng địa thế để làm nơi tập luyện và kiểm tra thể lực của các chiến sĩ. Khu vực này còn lưu giữ lại bức phác họa hình ảnh 10 nữ chiến sĩ tay cầm khẩu AK47, bắn hạ máy bay B52 của địch. Đây được coi là niềm tự hào của người phụ nữ Hải Phòng khi chẳng ngại sức yếu mà chống lại địch mạnh.

Khuôn viên bệnh viện được phân tách thành nhiều phòng khác nhau

Khuôn viên bệnh viện được phân tách thành nhiều phòng khác nhau

Bể nước ngay cạnh lối lên tầng 2 được thiết kế thông thẳng lên tầng 3, đề phòng khi địch tấn công lên, chiến sĩ sẽ nhảy trực tiếp từ tầng 3 xuống dưới và chạy ra cửa hầm thoát hiểm. Trên tầng 3 chỉ là nơi đón tiếp, phòng trực gác và là phòng sĩ quan nên cũng không có quá nhiều sự khác lạ so với tầng 1.

Để ra khỏi hang, du khách quay trở lại tầng 1 và đi ra theo lối thoát hiểm, ở đây cũng có một cánh cửa sắt tương tự như cách cửa ở lối vào nhưng theo thời gian đã bị rơi xuống nên đã được đặt gọn dựa tường để tạo không gian cho du khách đi lại.

Hiện nay, hang Quân y mở cửa đón khách tham quan với giá vé 80.000 đồng/người/lượt đối với người lớn và 40.000 đồng/người/lượt đối với trẻ em. Đây hứa hẹn trở thành một trong những điểm đến thú vị cho khách du lịch khi đến với Cát Bà.

>> Khu trại giam trong lòng bệnh viện giữa Sài Gòn, từng là nơi giam giữ Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam

Bên trong bệnh viện 3 tầng 'lớn nhất thế giới dưới lòng đất': Được vận hành trong trường hợp khẩn cấp, có thể hoạt động ngay cả khi có báo động tên lửa

Bệnh viện Tây y đầu tiên của Việt Nam và Đông Dương: Được xây dựng bên dòng sông thơ mộng bậc nhất nước ta từ thế kỷ XIX, là một trong những bệnh viện hạng đặc biệt của quốc gia

Bệnh viện tư nhân đầu tiên và duy nhất Việt Nam sử dụng robot mổ não: Điều khiển bằng giọng nói, đường mổ mở hộp sọ nhỏ chỉ bằng 1/5 so với mổ kinh điển

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ben-trong-benh-vien-hon-2000m2-duoc-xay-dung-trong-long-nui-da-voi-o-mien-bac-3-tang-rong-rai-toa-lac-tai-mot-trong-nhung-huyen-dao-dep-nhat-vung-d115572.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bên trong bệnh viện hơn 2.000m2 được xây dựng trong lòng núi đá vôi ở miền Bắc: 3 tầng rộng rãi, tọa lạc tại một trong những huyện đảo đẹp nhất vùng
POWERED BY ONECMS & INTECH