Khu trại giam trong lòng bệnh viện giữa Sài Gòn, từng là nơi giam giữ Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trại giam trong lòng bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh là mô hình kết hợp đặc biệt duy nhất tại Việt Nam và thuộc dạng hiếm trên thế giới.
Từng là “địa ngục trần gian” trong thời chiến
Bệnh viện Chợ Quán (nay được đổi tên thành bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới) là bệnh viện lâu đời nhất ở TP HCM, được xây dựng từ những năm 1864. Đây là nơi chuyên điều trị các loại bệnh truyền nhiễm và bệnh tâm thần.
Trong quá trình xâm lược nước ta, thực dân Pháp đã bắt bớ, tra tấn dã man đến lâm bệnh nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Vì cần khai thác tin tức, chúng đưa tù nhân vào khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần của bệnh viện Chợ Quán để vừa điều trị cầm chừng vừa tiếp tục tra hỏi. Từ đó, khu nhà nhốt bệnh nhân tâm thần trở thành nơi giam giữ những người tù bị bệnh.
Năm 1931, đồng chí Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã bị thực dân Pháp giam giữ tại đây. Sau khi bị kẻ địch giam giữ và dùng nhiều cực hình tra tấn dã man, sức khỏe của đồng chí Trần Phú ngày càng suy kiệt và qua đời vào ngày 6/1/1931 tại chính trại giam này.
Ngoài đồng chí Trần Phú, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều chiến sĩ cách mạng khác như Trần Não, Hà Huy Tập, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Văn Trỗi cũng đã từng bị giam giữ ở khu trại giam này.
Trở thành di tích mang đậm giá trị lịch sử trong thời bình
Gắn với dòng chảy lịch sử của dân tộc qua hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ngày nay, khu trại giam trong bệnh viện Chợ Quán trở thành một trong những địa điểm tham quan mang đậm giá trị văn hóa lịch sử. Di tích vẫn còn in đậm dấu vết của gông cùm, xiềng xích dưới chế độ thực dân cũng như những dấu ấn về cuộc chiến đấu kiên cường bất khuất của các chiến sĩ cách mạng.
Từ cổng bệnh viện đi vào khu trại giam, ở phía bên phải, mặt bằng kiến trúc của khu trại giam hình chữ U. Dãy ngang của hình chữ U dài 32m, rộng 12m. Hai dãy dọc bằng nhau, mỗi dãy dài 14m, rộng 7,5m. bên ngoài phía trước cửa trại giam có phòng gác nhỏ, lợp ngói móc.
Xung quanh có tường gạch cao 2,5m bao bọc. Góc khu trại giam có một tháp canh cao 3,5m diện tích 2m x 2m. Mái của toàn bộ khu trại giam được lợp ngói, bộ vì kèo bằng thép. Hai dãy được lợp ngói âm dương, một khu lợp ngói móc.
Dưới lớp ngói có một hệ thống lưới sắt. Trần không có la-phông. Dãy khu biệt giam có trần bê-tông. Tường nhà giam được xây khá chắc chắn, dày 0,4m. Nền nhà xây gạch tàu (30cm x 30cm). Trong mỗi phòng có bục để nằm.
Thời Pháp các bục được làm bằng gỗ, thời Mỹ - Ngụy các bục được làm bằng xi-măng lót gạch bông, kích thước của các bục khác nhau. Tường của khu trại giam được quét vôi, phần dưới màu xám hoặc đen, phần trên màu vàng. Cửa ra vào các phòng đều hẹp từ 1–1,2m, cánh cửa bằng gỗ sơn màu xám.
Phía trên cánh cửa ra vào có một lỗ nhỏ (10cmx10cm) để lính canh có thể theo dõi hoạt động bên trong của tù nhân. Cửa gỗ của phòng giam đều có lưới sắt, thanh sắt tròn có đường kính 2cm. Tường các phòng giam cao 4m… khu trại giam trong Bệnh viện Chợ Quán là một di tích lịch sử khá nguyên vẹn.
Ngày 16/11/1988, Khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Bên cạnh đó, do được đưa vào hoạt động từ ngày 13/02/1861 nên Bệnh viện Chợ Quán, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã được xác lập kỷ lục Bệnh viện lâu đời nhất Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS), đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận.
Hiện nay, di tích này cũng đã có nhiều dấu hiệu xuống cấp, các tài liệu, hình ảnh trưng bày đã bị mờ, trầy xước, một số bị rách. Nhiều phòng giam phải đóng cửa, ngừng phục vụ khách tham quan, chỉ có phần khuôn viên bên ngoài được mở để người dân vào thắp hương.
Trước tình trạng này, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã thông qua Nghị quyết "Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia khu trại giam Bệnh viện Chợ Quán nằm trong khuôn viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới". Dự án sẽ hoàn thành vào ngày 01/05/2024, đúng vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Trần Phú.