Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng kỹ thuật trình độ cao chữa ung thư nhanh hơn, rẻ hơn
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), một bệnh nhân ung thư hạch vừa được ghép tế bào gốc kết hợp xạ trị toàn thân với chi phí hơn 100 triệu đồng (đã trừ bảo hiểm y tế). Đây cũng là lần đầu tiên bác sĩ Việt Nam tự thực hiện kỹ thuật xạ trị toàn thân.
Chiều 27/9, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết nơi đây đã ghép tế bào gốc thành công cho một ca ung thư hạch đặc biệt.
Người bệnh là chị N.H.O (46 tuổi, Bình Dương) nhập Bệnh viện Chợ Rẫy vào tháng 7/2022 với khối u kích thước 15cm ở vùng hạ vị, chẩn đoán u lympo không Hodgkin vỏ nang. Năm 2017, chị O. phát hiện ung thư hạch và được hoá trị. Bệnh tái phát vào năm 2019 và 2021. Trong lần tái phát sau, hoá trị không còn đáp ứng.
Sau nhiều lần hội chẩn, ê-kíp điều trị đã quyết định thực hiện đồng thời 2 kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị cho người bệnh. Đó là ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI). Người cho tuỷ là chị ruột của bệnh nhân.
Theo kế hoạch, bệnh nhân được hóa trị để làm sạch các tế bào ung thư. Sau đó, xạ trị toàn thân giống như một vũ khí sẽ quét sạch các tế bào ung thư còn lại đang "lẩn trốn", kể cả xâm lấn trên não.
Chị O. được xạ trị toàn thân trong 3 ngày, mỗi ngày 2 lần trong điều kiện hết sức đặc biệt. Quá trình di chuyển từ phòng bệnh đến khu xạ trị được sắp xếp riêng 1 thang máy vô trùng, xe lăn vô trùng. Một điều dưỡng đồng hành cùng chị O. suốt 3 ngày, đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn tuyệt đối.
Sau đó, chị O. được ghép tế bào gốc và xuất viện sau 45 ngày. Hiện nay, sau 5 tháng xuất viện, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã đi làm và trở lại cuộc sống thường ngày.
Theo các bác sĩ, nhờ áp dụng xạ trị toàn thân, chị O. gặp ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn nên chi phí thấp hơn nhiều so với các ca ghép tế bào gốc tương tự. "Toàn bộ chi phí là 290 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả 170 triệu đồng, người bệnh đóng hơn 100 triệu đồng", bác sĩ nói.
Chia sẻ tại họp báo, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết kỹ thuật xạ trị toàn thân từng được nhiều người “đặt hàng” nhưng không thể thực hiện.
Đến khi dự án ODA của chính phủ Áo viện trợ hệ thống 4 máy gia tốc xạ trị và đào tạo chuyên môn, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã không bỏ qua cơ hội vàng.
Bác sĩ Tuấn Anh cũng nhấn mạnh xạ trị toàn thân sẽ rất nguy hiểm nếu bị lạm dụng và không được tính toán kỹ lưỡng liều lượng. Người bệnh có thể bị suy hô hấp, viêm phổi dẫn đến tử vong.
“Chúng tôi phải làm mô hình để thử nghiệm suốt nhiều tháng, tính toán bức xạ trên mô hình trước khi chính thức áp dụng, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân”, bác sĩ Tuấn Anh nói.
Bác sĩ Huỳnh Văn Mẫn, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM cho hay xạ trị toàn thân là niềm mong mỏi của ông và đồng nghiệp từ rất lâu. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật chuyên sâu nói trên được chính các bác sĩ Việt Nam thực hiện, là cơ hội để cứu sống rất nhiều người bệnh.
"Thực tế, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM đã phối hợp với một bệnh viện quốc tế tại TP để thực hiện 5 ca xạ trị toàn thân. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ có 1 một bác sĩ người Pháp ở bệnh viện đó làm được", bác sĩ Mẫn nói.
Theo Bệnh viện Chợ Rẫy, đây cũng là lần đầu tiên một bệnh viện công lập thực hiện thành công đồng thời 2 kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loài và xạ trị toàn thân để điều trị cho bệnh nhân ung thư hạch. Việc phối hợp chuyên sâu tại đây đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư, vì phương pháp này ít tác dụng phụ, ít biến chứng và thời gian nằm viện ngắn.