Chi tiêu chính phủ chỉ là cái cớ để hai đảng phái chính trị lớn nhất ở Mỹ công kích nhau. Thực tế chứng minh, núi nợ vẫn phình to đều đặn.
Thỉnh thoảng, câu chuyện chi tiêu công của chính phủ Mỹ lại trở thành chủ điểm hấp dẫn của truyền thông khắp nơi. Chính những người trong cuộc cũng không hề làm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vấn đề, như phát biểu mới đây của người nắm “tay hòm chìa khóa” nền kinh tế lớn nhất thế giới, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen.
Mọi việc rồi cũng đâu vào đấy trong những thời khắc cuối cùng trước khi Mỹ tuyên bố “vỡ nợ kỹ thuật”. Nợ công của Mỹ vì thế chưa bao giờ giảm. Nếu năm 1989 nợ công Mỹ chỉ là 3.000 tỷ USD, nay nó đã tăng gấp hơn 11 lần.
Thực tế này cho thấy, các cuộc tranh luận giữa Tổng thống và lưỡng viện Quốc hội, cũng như hai đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc chi tiêu ra sao, tiết kiệm hay không tiết kiệm - chỉ là chút màu mè tô điểm thêm cho bức tranh dân chủ kiểu Mỹ thêm sống động. Bởi vì các quan điểm dân túy được sử dụng triệt để trong những lần tăng trần nợ không giải quyết được gì, mục đích cuối cùng không phải phục vụ lợi ích đại đa số. Bằng chứng là tỷ lệ nợ trên đầu người của Mỹ cao hơn bất cứ quốc gia nào.
Nợ công là hữu hình, bởi vì nó được “neo” vào khả năng đóng thuế của người dân, không chỉ là thế hệ đang sống mà cả những công dân chưa sinh ra đã được tính toán dự báo rất chuẩn xác.
Không có chuyện chính phủ Mỹ sẽ giảm được nợ công. Bởi vì các nhiệm vụ toàn cầu của Mỹ ngày càng phình ra. Nhưng quan trọng hơn, tạo ra nợ công là cách thức để nhóm tài phiệt siêu giàu nhúng tay vào chính trị, kiểm soát thượng tầng quyền lực.
Chi tiêu công là lý do để các phe phái chính trị công kích nhau, phe đối lập muốn làm rõ rệt hơn những yếu kém của đương kim Tổng thống Joe Biden và nội các của ông. Điều này nhằm tác động đến tâm lý cử tri trong kỳ bầu cử 2024 sắp tới.
Và nếu nợ công vẫn tăng như thường, lúc đó những người đảng Cộng hoà sẽ đóng vai dân túy để truy vấn, làm khó dễ với Tổng thống Biden. Kết cục lại, chuyện nợ nần không phải là tiền bạc, mà vấn đề là ai sẽ nắm quyền!
Nói tóm lại, Cục dự trữ Liên bang (FED) và giới tinh hoa chính trị Mỹ không thể tách rời nhau. Đây là quy luật tất yếu trong giai đoạn “chủ nghĩa tư bản nhà nước” - ông chủ tư sản và chính trị gia bị xóa nhòa khoảng cách, hay nói cách khác là sự thâm nhập, đan xen của kinh tế và chính trị.
Đến khi các cuộc tranh luận về chi tiêu đã đủ “gia vị”, một vị trọng tài sẽ đứng ra dàn xếp, luôn luôn là Chính phủ được vay thêm tiền. Bởi nếu Nhà trắng đóng cửa sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến cổ phiếu phố Wall, xáo trộn thị trường tài chính, điều mà các tỷ phú hàng đầu không hề muốn xảy ra.
Ngay trong thời điểm ông Joe Biden và nội các bận bịu thương thuyết chuyện tiền bạc với Chủ tịch Hạ viện Mc Carthy, hôm 27/5, ứng cử viên De Santis, ngôi sao đang lên của đảng Cộng hòa chính thức ra mắt chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ với sự yểm trợ của mạng xã hội Twitter của Elon Musk.
Mỹ chuyển 19.800 Bitcoin lên Coinbase: Chuẩn bị bán gần 2 tỷ USD?
Chính phủ Mỹ sẵn sàng bán gần 2 tỷ USD Bitcoin từ ‘chợ đen’ Silk Road, thị trường sắp có biến lớn?