Vinafood 2 từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp này đã liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài.
Tổng CTCP Lương thực Miền Nam - Vinafood II (UPCoM: VSF) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với ghi nhận doanh thu thuần giảm 24% so với cùng kỳ xuống còn 2.804 tỷ đồng; giá vốn giảm mạnh giúp biên lãi gộp tăng từ 5% lên 10%.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của Vinafood II tăng vọt lên gần 31 tỷ đồng - gấp 2,3 lần cùng kỳ song việc doanh thu không đủ bù đắp chi phí khiến đơn vị ôm lỗ hơn 5,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ gần 81 tỷ đồng).
Đây cũng là quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp của doanh nghiệp này qua đó nâng tổng lỗ lũy kế tính đến 31/3/2022 lên hơn 2.800 tỷ đồng. Trước đó, tính đến hết năm 2021, lỗ lũy kế của Vinafood 2 là 2.654 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2022, tổng tài sản của VSF ghi nhận gần 7.967 tỷ đồng - tăng 22% so với đầu năm; các khoản phải thu ngắn hạn giảm 22% xuống còn 635 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công ty không ghi nhận khoản phải thu tại Louis Dreyfus Company Asia Pte.Ltd (đầu năm gần 96 tỷ đồng) trong khi khoản phải thu tại Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam (đầu năm không ghi nhận khoản này) là gần 48 tỷ đồng.
Cuối kỳ, giá trị hàng tồn kho của VSF đạt gần 2,864 tỷ đồng - gấp đôi cùng kỳ trong đó giá gốc thành phẩm chiếm 29%; hàng hóa chiếm 21% và nguyên vật liệu chiếm 25%.
Xét về nợ, nợ phải trả của VSF thời điểm này ghi nhận hơn 5.459 tỷ đồng - tăng 35% so với đầu năm, phần lớn đến từ nợ vay ngắn hạn, giá trị hơn 3.134 tỷ đồng (tăng 65%).
Vinafood 2 từng là nhà sản xuất gạo lớn nhất cả nước với 22 công ty con và công ty liên kết được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp này đã liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài.
Năm 2018, Ông Đỗ Quang Hiển "bầu Hiển" - Tập đoàn SHB - đã bỏ ra hơn 1.200 tỷ đồng sở hữu 25% cổ phần Vinafood 2. Thương vụ được kỳ vọng sẽ giúp công ty cải thiện tình hình hoạt động. Tuy vậy hàng loạt những bất cập khiến cho những kỳ vọng khi xây dựng phương án cổ phần hóa đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.
Tình trạng bộ máy cồng kềnh, bộ máy kinh doanh thiếu và yếu, mất khách hàng truyền thống,… đã diễn ra từ lâu nhưng vẫn không có phương án giải quyết triệt để trong khi rủi ro mất thanh khoản do ngân hàng dừng giải ngân luôn cận kề.
Ngoài ra, Vinafood 2 còn liên tục vướng vào nhiều lùm xùm pháp lý trong việc quản lý, sử dụng sai quy định và gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng.