Bị thương hiệu gạo khác soán ngôi vương, "cha đẻ" gạo ST25 muốn trả lại cúp và tiền cho ban tổ chức

07-11-2022 15:19|Nam An

Gạo ST25 là “quả ngọt” của hành trình hơn 20 năm nghiên cứu và canh tác của kỹ sư Hồ Quang Cua - sinh ra trong gia đình nghèo thuần nông tại Sóc Trăng.

Gạo ông Cua ST25 bị soán ngôi "gạo ngon Việt Nam"

Ngày 4/11/2022, Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức cuộc thi Gạo ngon Việt Nam lần thứ 3-2022.

6 đơn vị tham gia dự thi gồm: CTCP Tập đoàn ThaiBinh Seed (Thái Bình), Công ty TNHH thương mại HK (Tiền Giang), Công ty TNHH lúa gạo Việt Nam (Đồng Tháp), CTCP tập đoàn Lộc Trời (An Giang), doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (Sóc Trăng) và Viện Lúa ĐBSCL với 12 mẫu.

Có 8 mẫu gạo tham gia cuộc thi này, gồm: ST24, ST25, TBR39, Lộc Trời 28, VD20, Đài Thơm 8, OM8, OM48; 4 mẫu nếp gồm: nếp A Sào, TBR78, OM406, OM38.

Kết quả cuộc thi "Gạo ngon Việt Nam" năm nay, ở hạng mục gạo thơm, giải nhất thuộc về gạo TBR39 của CTCP Tập đoàn ThaiBinh Seed, giải nhì là gạo ST24 của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, giải ba là gạo Lộc Trời 28 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời.

Thương hiệu TBR39 - CTCP Tập đoàn Thaibinh Seed trở thành gạo ngon nhất Việt Nam

Cho rằng Hội thi "Gạo ngon nhất Việt Nam" lần 3 năm 2022 không khách quan khoa học, ông Cua không công nhận kết quả đã công bố và sẽ gửi lại giấy chứng nhận.

Chiều 6/11/2022, ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 - chính thức lên tiếng về Hội thi "Gạo ngon nhất Việt Nam" lần 3 năm 2022.

Theo ông Cua, ban tổ chức không giữ bí mật mã số của từng loại gạo dự thi, vì điều này không khách quan khi chấm điểm.

Kế đến, cho dự thi một giống lúa chưa đủ điều kiện công nhận thành giống (giống TBR39 chưa được công nhận DUS - tính khác biệt, tính đồng nhất và tính ổn định). Hơn nữa, giống này khi đem trồng khảo nghiệm ở ba tỉnh là Cà Mau, Kiên Giang và Đồng Tháp đều bị nhiều nông dân cho là giống ST24, trong khi ban tổ chức không có giải pháp xác minh.

Ông Cua cho rằng, xếp hạng gạo ngon theo cơ cấu giống như cuộc thi năm 2019 (để các đơn vị lớn dự thi đều có giống gửi đi thi quốc tế) ngược lại với tiêu chí của cuộc thi lần này chỉ gửi đi thi giống tiêu biểu của quốc gia.

Theo ông Cua, cuộc thi không khách quan khoa học. Những lý do nêu trên, ông Cua khẳng định không công nhận kết quả đã công bố và sẽ gửi lại giấy chứng nhận, cúp và tiền thưởng cho ban tổ chức.

Ông Hồ Quang Cua và hành trình "nảy mầm" của gạo ST25

"Cha đẻ" gạo ST25 tên thật là Hồ Quang Cua. Sinh ra trong một gia đình nghèo thuần nông ở Sóc Trăng, tuổi thơ gắn liền với ruộng đồng, vì thế sau khi học xong phổ thông, ông Hồ Quang Cua thi vào Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ. Tốt nghiệp kỹ sư trồng trọt, ông trở về Sóc Trăng, quyết tâm thực hiện ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam.

Trong thời gian từ năm 1991, kỹ sư Hồ Quang Cua sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan cùng với nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và Đại học Cần Thơ.

Cũng trong thời gian này, người kỹ sư Sóc Trăng có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng của mình.

"Vào năm 1996, trong một lần tình cờ khi đang tham quan cánh đồng ruộng, tôi bất ngờ phát hiện những cây lúa có hình dạng rất lạ và không giống ai, với gốc lúa đặc biệt là màu tím, hạt thì lại thon và rất đẹp”, ông Cua chia sẻ.

Với ước mơ nâng tầm cây lúa Sóc Trăng, lại hay tìm hiểu về cây lúa từ nhỏ, cộng với là người có tư duy nhạy bén, ông Cua bắt đầu vào công trình lai tạo, nhân giống. Từ đó, hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST bắt đầu được ra đời.

Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.

Ông Cua cho biết: “Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được 2 giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không?”

"Cứ như thế, trong đầu tôi lúc nào cũng suy nghĩ đến việc phát triển giống lúa thơm mới cho Việt Nam và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng được hình thành và tồn tại tới ngày hôm nay.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, “cha đẻ” giống gạo ST25, chia sẻ: Nếu lấy cột mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì đó là hơn 10 năm. Nếu tính từ ý tưởng đến khi có kết quả cũng khoảng 20 năm. Điều đó cho thấy ST25 từ thời điểm còn là hạt giống trong phòng thí nghiệm đến khi được gieo trồng, thu hoạch và tạo nên thành phẩm là cả hành trình”.

ST25 trở thành loại gạo ngon nhất thế giới

Trở thành gạo ngon nhất thế giới, phân phối tại nhiều quốc gia

Năm 2017, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về mua bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tại Ma Cao, trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa… đã được chọn và vinh danh là một trong ba loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới và giải Nhất ST24 hữu cơ tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ III-Long An năm 2018.

Vào năm 2019, tại Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới tổ chức trong khuôn khổ hội nghị Thương mại Gạo Thế giới lần thứ 11 tại Manila (Philippines) từ ngày 10-13/11, với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp kinh doanh gạo quốc tế, Việt Nam cùng hàng trăm nhà xuất nhập khẩu gạo lớn thế giới đã quy tụ về đây tranh tài.

Kết quả gạo ST25 của doanh nghiệp Hồ Quang (Sóc Trăng) đã xuất sắc vượt qua gạo thái Lan, giành giải Nhất cuộc thi gạo ngon nhất Thế giới 2019.

Ngày 8/9/2022, tại Sóc Trăng đã diễn ra lễ ký kết phân phối độc quyền gạo Ông Cua ST25 tại thị trường Anh (UK) giữa Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và EUTEK Group.

Theo ông Nguyễn Hải Nam - Giám đốc phát triển kinh doanh EUTEK Group, sau khi nhập lô hàng gạo Ông Cua ST25 đầu tiên vào thị trường UK, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng người châu Á tại xứ sở sương mù.

Theo ông Nam, gạo Ông Cua ST25 tiến vào thị trường Anh là một minh chứng cho việc khẳng định chất lượng và vị thế gạo Việt Nam trên thương trường thế giới.

Ngoài việc xuất khẩu sang Australia, Anh, gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua cũng vừa được đưa vào thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản.

Để đưa được gạo ST25 vào thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe cùng với yêu cầu rất cao của người tiêu dùng Nhật Bản.

Ấn Độ xem xét cấm xuất khẩu gạo, Việt Nam hưởng lợi?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bi-thuong-hieu-gao-khac-soan-ngoi-vuong-cha-de-gao-st25-muon-tra-lai-cup-va-tien-cho-ban-to-chuc-157038.html
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bị thương hiệu gạo khác soán ngôi vương, "cha đẻ" gạo ST25 muốn trả lại cúp và tiền cho ban tổ chức
POWERED BY ONECMS & INTECH