Căn biệt thự bỏ hoang nằm đơn độc giữa rừng sâu này hứa hẹn sẽ là điểm đến yêu thích cho những du khách thích tưởng tượng.
Biệt thự đỏ hay “nhà đỏ” được biết đến là công trình đã bỏ hoang tồn tại trong gần một thế kỷ qua, do người Pháp xây dựng ở xóm Phia Đén, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Địa điểm này cũng nằm trong hành trình “Khám phá phía Oắc, vùng núi của những đổi thay” thuộc Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng. Tại nơi đây, khí hậu quanh năm rất mát mẻ, dao động từ 18 – 25 độ C.
Căn biệt thự bỏ hoang nằm biệt lập trên triền đồi, rêu và cây thân leo bám quanh mái ngói. Các bức tường ban đầu màu vàng, tuy nhiên, sau nhiều năm nó đã dần chuyển sang đỏ. Cùng với những câu chuyện truyền miệng trong vùng đã khiến nơi này ngày càng trở nên u ám, khơi gợi sự tò mò của những du khách đến khám phá, tìm hiểu.
Hiện tại, công trình cũ bỏ hoang này được Phòng văn hóa thông tin huyện Nguyên Bình quản lý và định hướng thành sản phẩm du lịch khám phá kết hợp với 14 di sản trong vùng.
Vào cuối năm 2023, trong một chuyến đi đến Nguyên Bình, Cao Bằng, Hoàng Huy Hiếu (25 tuổi, ở Nam Định) đã biết đến căn biệt thự hoang này qua những câu chuyện của người dân địa phương kể. Chàng thanh niên di chuyển từ khu du lịch đến căn biệt thự này bằng xe máy.
Được biết, vào khoảng đầu thế kỷ 20, một gia đình người Pháp đã xây căn biệt thự này làm nơi nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, sau khi gia đình này trở về quê hương, căn biệt thự đã bị bỏ hoang đến nay, bà Nông Thị Thủy, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị trấn Nguyên Bình cho biết.
Trải qua một thời gian dài, phần mái dần xuống cấp và hư hỏng một số chỗ, dẫu vậy, các bức tường và kiến trúc tổng thể của căn biệt thự vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn. Cũng chính vì lý do này, khi khảo sát địa điểm để xây dựng các tour trải nghiệm Công viên địa chất toàn cầu Cao Bằng, chính quyền địa phương quyết định đưa căn biệt thự vào tuyến đường khám phá phía Tây thành phố.
Theo chia sẻ của Hiếu, vẻ hoang tàn hiện lên trong màn sương mù, giữa núi rừng âm u và hơi lạnh của mùa đông khiến anh cảm thấy "rùng mình" khi tiến vào trong quan sát. Bước qua những đám cỏ dại, người dân địa phương đi cùng Hiếu kể những câu chuyện bí ẩn liên quan đến căn biệt thự. Trong không gian yên tĩnh, dưới làn mưa lất phất và màn sương mỏng bao phủ, trải nghiệm càng trở nên "u ám, ma mị, khơi gợi trí tưởng tượng", Hiếu nói.
Với Hiếu, khám phá căn biệt thự này là một trải nghiệm thú vị, như lạc vào “một thế giới khác”. Tuy nhiên, anh khuyên khách du lịch không nên đi đến đây một mình vì khu vực này không có nhà dân và ít người qua lại, do đó sẽ khó tìm kiếm được sự giúp đỡ nếu không may gặp sự cố.
Trong thời gian qua, ngành du lịch tỉnh Cao Bằng đang nghiên cứu phục dựng kiến trúc của biệt thự, khảo sát các điều kiện thực tế, "xem xét cải tạo nơi này thành phòng lưu giữ văn hóa, mẫu động vật, thảm thực vật của vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén", bà Thủy thông tin thêm.
Cũng theo như chia sẻ của bà Thủy, du khách có thể tự do đến khám phá nhưng không được tác động đến kiến trúc căn biệt thự. Bên cạnh đó, du khách cũng được khuyến khích nên tham gia tour do chính quyền địa phương xây dựng để đảm bảo an toàn khi trải nghiệm, đồng thời khám phá tổng cộng 14 điểm di sản và 2 điểm đối tác trong vùng là san hô cổ Lang Môn; đồn Phai Khắt; xưởng thêu của người Dao Tiền; cảnh quan núi mào gà; bảo tàng rừng Trần Hưng Đạo; tuyến đường Võ Nguyên Giáp; cảnh quan lưng rồng; thung lũng treo Tĩnh Túc; mỏ thiếc Tĩnh Túc; mỏ Vonfram Lũng Mười; cảnh quan đỉnh Phia Oắc; trang trại cá hồi; đá Granit Phia Oắc; mỏ Vonfram Bản Ổ; nhà nghỉ Kolia và đồn điền chè Kolia.
>> Quần thể biệt thự 'lạnh lẽo' trên đỉnh núi cao hơn 1.500m lạnh nhất Việt Nam