Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng chuyên dùng được UBND tỉnh Bình Định kỳ vọng trở thành bước đệm thúc đẩy kinh tế trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần tạo việc làm cho người lao động.
Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn được UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty Cổ phần Gang thép Long Sơn đầu tư. Diện tích đất dự kiến sử dụng Khu liên hợp Gang thép khoảng 468ha và Cảng chuyên dùng khoảng 496,9ha (trong đó, đất trên bờ khoảng 23ha, mặt nước biển khoảng 473,9ha).
Trong tổng diện tích thực hiện dự án Khu liên hợp gang thép và cảng chuyên dùng chỉ chiếm 39,06% tổng diện tích đất tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ (diện tích dự kiến thu hồi khoảng 491ha/1.257ha). Đặc biệt, các di tích lịch sử như: Nơi cập bến Tàu không số, Lăng vạn Lộ Diêu, Khuôn viên tưởng niệm liệt sỹ Lộ Diêu, các bãi đá, gành tự nhiên, rừng nguyên sinh không thuộc phạm vi dự án nên sẽ được giữ gìn và bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 7.500 người, ước nộp ngân sách 4.926 tỷ đồng. Khi hoạt động toàn dự án đóng góp khoảng 10.395 tỷ đồng, đóng góp tổng sản phẩm địa phương khoảng trên 20.500 tỷ đồng. Nhưng nếu thực hiện dự án trên, toàn bộ dân cư của thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn với 566 hộ dân sẽ phải di dời.
Tại buổi thông tin chủ trương dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn do UBND tỉnh Bình Định tổ chức ngày 30/5.
UBND tỉnh Tỉnh Bình Định cho biết muốn phát triển cần có các dự án lớn, đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích. Dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và Cảng chuyên dùng Khu liên hợp gang thép Long Sơn được xác định là một trong những dự án có vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo cú hích để phát triển kinh tế Bình Định.
Quan điểm nhất quán của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Dự án đảm bảo các yếu tố: Công nghệ tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường theo tiêu chuẩn của Việt Nam; người dân bị ảnh hưởng của dự án khi tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn; dự án không xâm phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên trên địa bàn; địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Định cũng sẽ phối hợp với nhà đầu tư tổ chức cho bà con thôn Lộ Diêu đi tham quan các dự án tương tự, trong đó có dự án Fomosa ở Hà Tĩnh. Sau khi về, bà con tiếp tục có ý kiến, góp ý thì các cơ quan Nhà nước sẽ tiếp thu và điều chỉnh cho phù hợp với quy định và nguyện vọng của người dân.