Từ nay, địa phương này sẽ trở thành tỉnh rộng nhất Việt Nam, quy mô kinh tế lọt top 10 cả nước
Sau sáp nhập, tổng diện tích của tỉnh mới sẽ đạt 24.101km2, vượt Nghệ An để trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước.
Ngày 12/6 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Theo đó, từ ngày 1/7/2025, ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ hợp nhất, hình thành một tỉnh mới với tên gọi Lâm Đồng. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh đặt tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Sau sáp nhập, tổng diện tích của tỉnh mới sẽ đạt 24.101km2, vượt Nghệ An để trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Cụ thể, diện tích hiện tại của Lâm Đồng là 9.773,6km2, Đắk Nông là 6.515,6km2 và Bình Thuận là 7.812,8km2.

Trước khi sáp nhập, Lâm Đồng nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành có số thu ngân sách từ 10.000-20.000 tỷ đồng, trong khi Bình Thuận và Đắk Nông thuộc nhóm địa phương có số thu dưới 10.000 tỷ đồng mỗi năm.
Theo dự toán ngân sách năm 2025, Đắk Nông đặt mục tiêu thu khoảng 3.500 tỷ đồng, Bình Thuận ước đạt 10.300 tỷ đồng, còn Lâm Đồng phấn đấu đạt 15.000 tỷ đồng.
>> Từ hôm nay, thành phố cổ thứ 2 Việt Nam chính thức ngừng hoạt động
Như vậy, nếu các địa phương thực hiện đúng và đủ chỉ tiêu thu ngân sách, đồng thời triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp chống thất thu, tổng thu ngân sách của tỉnh Lâm Đồng mới (sau sáp nhập) trong năm 2025 có thể đạt khoảng 28.800 tỷ đồng.
Cùng với đó, quy mô kinh tế của tỉnh mới sẽ được mở rộng đáng kể. Dự kiến, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, đưa Lâm Đồng mới vươn lên xếp thứ 8 cả nước về quy mô GRDP. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng góp phần tăng thu ngân sách địa phương, tạo dư địa cho đầu tư phát triển trong các năm tiếp theo.
Quy mô kinh tế của ba tỉnh
Về kinh tế, Lâm Đồng được mệnh danh là "cao nguyên xanh" với khí hậu ôn hòa, hệ sinh thái đa dạng và những đô thị du lịch nổi tiếng như Đà Lạt - biểu tượng nghỉ dưỡng của Việt Nam.
Không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp mộng mơ, Lâm Đồng còn dẫn đầu cả nước về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, với sản lượng rau, hoa và trái cây xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.
Hạ tầng giao thông đang được đầu tư mạnh mẽ, với hàng loạt dự án trọng điểm như cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, cùng kế hoạch nâng cấp sân bay Liên Khương lên tầm quốc tế, mở ra cánh cửa mới cho cả du lịch và thương mại.
Tỉnh Đắk Nông là địa phương giàu tài nguyên và tiềm năng phát triển năng lượng. Đây cũng là vùng đất đỏ bazan màu mỡ, thích hợp cho nông nghiệp kỹ thuật cao và các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu, mắc ca.
Địa phương này còn sở hữu trữ lượng bô-xít lớn thứ hai cả nước, mở ra cơ hội phát triển công nghiệp chế biến alumin và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Chính phủ đã định hướng Đắk Nông trở thành điểm nhấn chiến lược về khai khoáng và năng lượng của quốc gia.
Tỉnh Bình Thuận nằm trên trục giao thông huyết mạch Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Na, đang nổi lên như một điểm nóng về hạ tầng giao thông và logistics. Sân bay Phan Thiết đang được hoàn thiện, cảng biển Vĩnh Tân cũng đang nâng cấp, tạo đòn bẩy lớn cho phát triển kinh tế.
Đặc biệt, Bình Thuận hiện là "thủ phủ" năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước, với hàng chục dự án điện gió, điện mặt trời đã hòa lưới. Bên cạnh đó, địa phương này còn là vùng biển giàu tài nguyên, nổi bật với nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và du lịch biển với những điểm đến nổi tiếng như Mũi Né, Kê Gà, Cổ Thạch.
Việc hợp nhất ba tỉnh không chỉ hình thành một thực thể hành chính mới, mà còn rút ngắn thời gian phối hợp chính sách, tối ưu hóa nguồn lực đầu tư và thúc đẩy phát triển liên vùng. Một vùng kinh tế đặc thù - nơi hội tụ giữa cao nguyên, biển cả và khoáng sản - đang dần hiện rõ trên bản đồ phát triển quốc gia.
>> Từ ngày mai, TP có nhiều tên gọi nhất thế giới tại Việt Nam sẽ chính thức dừng hoạt động