Xã hội

Bộ bàn ghế làm từ loại gỗ 3.500 năm quý như 'vàng ròng' ở Việt Nam, được trả tiền tỷ nhưng chủ nhân không bán

Thùy Dung 11/07/2024 09:03

Giới sành gỗ đánh giá, bộ bàn ghế của này có một không hai, hội tụ đầy đủ nhất mọi giá trị, thẩm mỹ…

Ông Nguyễn Công Đức sinh ra và lớn lên ở phố Thái Hà (Hà Nội). Người đàn ông này nổi tiếng với biệt danh Đức ‘gấu’ vì một thời ông nuôi cả đàn gấu lấy mật cung cấp cho dân nhậu Hà thành. Ông còn được nhiều người biết đến với ngôi mộ ướp xác trên đỉnh núi độc đáo nhất Việt Nam.

Không những vậy, thời điểm 2015, ông còn khiến truyền thông chú ý với thông tin là chủ nhân của bộ bàn ghế bằng gỗ lũa đắt bậc nhất Việt Nam. Ông Đức kể, vào khoảng những năm 2000 - 2001, khi lang thang trên sườn một ngọn núi đá ở huyện Kim Bôi, ông Đức dẫm chân lên một “tảng đá” to như cái sân nhà, bề mặt “tảng đá” phẳng lỳ, rêu phong xanh rì. Ông Đức cứ ngắm nghía rồi băn khoăn không hiểu thiên nhiên kiến tạo thế nào mà tài tình, kỳ lạ đến vậy.

Giữa lúc ấy, một ông già người Mường đi qua bảo: “Gốc cây gù hương đấy, nó nằm trên đất nhà tôi, nếu ông thích tôi bán cho?”. Ông lão người Mường kể rằng, vào đầu những năm 40 của thế kỷ trước, người Pháp đã xẻ cây gù hương này ròng rã suốt một tháng rồi đóng vào hàng chục container đưa xuống tàu chở về nước chiết xuất tinh dầu. Riêng phần gốc cây chìm sâu trong lòng núi, lại ít tinh dầu, khó đào nên họ bỏ lại.

Hình ảnh bộ bàn ghế bằng gỗ gù hương 3.500 tuổi ông Đức đang sở hữu. Ảnh: Internet

Hình ảnh bộ bàn ghế bằng gỗ gù hương 3.500 tuổi ông Đức đang sở hữu. Ảnh: Internet

Ông Đức giật mình khi biết rằng cái “mặt đá khổng lồ” kia lại là một gốc cây đã bị cắt. Chỉ đến khi ông tận mắt những cái rễ to như cột đình lộ ra ở khe núi ông mới tin đó là gốc cây thật. Ông Đức hỏi giá: “Thế cụ đòi bao nhiêu tiền cái gốc cây này? Cụ già trả lời không đắn đo: “Tôi lấy một triệu hai trăm ngàn để uống rượu thôi”.

Tuy nhiên vì gốc cây quá to nên ông Đức đề xuất trả trọn gói cho cụ già người Mường 25 triệu đồng để vần gốc cây xuống chân núi. Song trong quá trình vận chuyển xuống chân núi, gốc cây đã bị vỡ làm ba mảnh khiến ông Đức vô cùng tiếc nuối.

Khi vận chuyển về đến nhà, ông Đức dùng một mảnh gốc cây gù hương làm bàn, một mảnh làm giường nằm, một mảnh làm bàn thờ. Bộ ghế gồm mấy chục chiếc được cắt từ các đoạn rễ. Đồ dùng bằng gỗ đều được chế tác từ những đoạn rễ của gốc cây gù hương khổng lồ.

Một nhà khoa học của Đại học Lâm nghiệp đến trang trại của của ông Đức nghiên cứu về gấu đẻ đã ngạc nhiên khi chứng kiến gốc cây khổng lồ này. Đích thân ông đã đục một miếng gỗ nhỏ về nghiên cứu và thông báo với ông Đức rằng, cây gù hương này có tuổi khoảng 3.000 đến 4.000 năm.

Một vị giáo sư khác làm trong ngành khảo cổ đến để tận mắt chiêm ngưỡng bộ bàn ghế bằng gỗ quý này. Ban đầu, khi nghe ông Đức kể về gốc cây gù hương khổng lồ với đường kính lên đến 7m, vị giáo sư đã tỏ ra nghi ngờ về tuổi đời của nó. Bởi lẽ, với kích thước phi thường như vậy, niên đại của gốc cây này chắc chắn phải lên đến hàng ngàn năm.

Để xác minh thông tin, vị giáo sư đã lấy 3 mẫu gỗ từ chiếc giường, ban thờ và bộ bàn ghế của ông Đức mang về xét nghiệm. Sau một tháng nghiên cứu, kết quả cho thấy cả ba món đồ nội thất này đều được chế tác từ cùng một gốc cây gù hương. Điều thú vị hơn nữa là, theo nghiên cứu của vị giáo sư, gốc cây gù hương này đã tồn tại từ 3.500 đến 4.000 năm.

Thời điểm đó, nhiều tay chơi gỗ lũa nghe tin ông Nguyễn Công Đức có bộ lũa gù hương lớn nhất, độc nhất, quý nhất Việt Nam mà “thèm”. Giới sành gỗ lũa từ Bắc đến Nam kéo đến trang trại của ông để tận mắt ngắm bộ lũa quý ngày một đông.

Đại gia Bá Mạnh nổi tiếng Sài Gòn vì thú chơi gỗ lũa sau khi xem gốc cây gù hương của ông Đức đã gạ đổi 25 bộ lũa cẩm lai, mỗi gốc cây có đường kính 2m, trị giá cả tỷ đồng nhưng ông cũng không đồng ý. Đại gia Mạnh Hùng ở thành phố Vinh (Nghệ An) đến xem và trả 1,2 tỷ đồng nhưng ông cũng không bán.

Đại gia Tuấn, ông chủ của hệ thống khách sạn ở Bắc cầu Mỹ Thuận đã từng trả giá tới 1,8 tỷ đồng cũng không làm ông Đức lung lay. Thậm chí, theo lời kể của ông Đức, có một người Mỹ đã đến tận trang trại của ông Đức trả giá 130 ngàn USD, tương đương với khoảng 2,2 tỷ đồng, nhưng theo lời ông thì có trả cao gấp 10 lần như thế ông cũng không bán.

Trong giới chơi lũa, bộ lũa của ông Đức được đánh giá là vô cùng độc đáo và quý hiếm. Sở hữu tuổi đời lâu đời cùng vẻ đẹp nguyên vẹn, gốc cây tạo nên bộ lũa này được xem là "của hiếm" không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác tại Việt Nam. Gỗ lũa của ông Đức không chỉ mang giá trị thẩm mỹ cao bởi thuộc loài gỗ quý hiếm mà còn bởi tuổi thọ lâu đời và không bị thủng ở giữa gốc. Tất cả những yếu tố này khiến cho bộ lũa trở nên độc nhất vô nhị, không thể so sánh với bất kỳ bộ lũa nào khác.

>> Ngôi chùa 800 tuổi nắm giữ pho tượng Đức Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng gỗ lũa lớn nhất Việt Nam

Cơ ngơi 25.000m2 phủ kín gỗ quý tử đàn lên đến 700 tỷ đồng

Loại gỗ 'quý như ngọc' biết đổi màu giá lên đến hàng trăm triệu ở Việt Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bo-ban-ghe-lam-tu-loai-go-3500-nam-quy-nhu-vang-rong-o-viet-nam-duoc-tra-tien-ty-nhung-chu-nhan-khong-ban-d127401.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Bộ bàn ghế làm từ loại gỗ 3.500 năm quý như 'vàng ròng' ở Việt Nam, được trả tiền tỷ nhưng chủ nhân không bán
    POWERED BY ONECMS & INTECH