Vị đại gia này sẵn sàng chi mạnh cho việc nghiên cứu kỹ thuật ướp xác để chuẩn bị cho ngày ‘khuất núi’ của chính mình.
‘Đốt tiền’ cho những khóa học ướp xác
Ông Nguyễn Công Đức được biết đến với danh ‘Đức Gấu’ là người gốc Hà Nội nhưng đang sinh sống tại Sơn Lâm, Lương Sơn, Hòa Bình. Trước đây, ông có trang trại nuôi gấu đẻ, cá và cá sấu. Với tài kinh doanh của mình, ông trở thành một trong những đại gia có máu mặt. Nhưng điều đặc biệt ở đại gia đất Hòa Bình lại đến từ câu chuyện ly kỳ liên quan đến thuật ướp xác mà ông vô cùng thích thú và dày công nghiên cứu.
Xuất phát từ câu chuyện về các vị vua Ai Cập cổ đại ngày xưa, khi chết đi xác được tẩm liệm, xây lăng mộ kiên cố đặc biệt hấp dẫn đối với ông Đức. Ông cũng nuôi giấc mộng sẽ chuẩn bị cho sự ra đi của mình như thế. Chính bởi vậy, bên cạnh việc kinh doanh, ông dành nhiều thời gian để nghiên cứu về bí thuật ướp xác.
Để hiểu hơn về chuyện kỳ bí này, ông đọc rất nhiều tài liệu trong và ngoài nước. Ông không tiếc tiền để tới các trung tâm nghiên cứu, bảo tàng về xác ướp ở Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập… Do không biết tiếng Anh nên mỗi chuyến đi như vậy ông đều cần đến một phiên dịch viên khiến chi phí chuyến đi vô cùng tốn kém. Tuy nhiên, lượng kiến thức và những thông tin có được khiến ông không tiếc tiền. Ông ghi chép tất cả những hiểu biết của mình vào một cuốn sổ dày đặc.
Tích lũy kiến thức, ông thử nghiệm ướp xác động vật. Qua nhiều lần thử nghiệm, ông tự mình đưa ra một công thức riêng vì thấy như vậy phù hợp nhất với mình. Sau khi có được công thức, việc chuẩn bị nguyên liệu, cách thức ướp xác cũng được ông kỳ công chuẩn bị. Để ướp xác, nguyên liệu đều phải chọn lọc kỹ càng, cẩn thận và đa phần đều là các loại rất hiếm. Nhưng chỉ cần địa danh đó có, xa mấy nhất định ông cũng đi.
Ông gom góp nguyên liệu từ mọi tỉnh thành như tinh dầu cổ am, tinh dầu gù hương ở núi Bà Đen, than trai quý hiếm ở Ninh Thuận… Ngoài ra những vật dụng như bột gạo nếp rắc lên thi thể, áo quan làm từ gỗ quý, tinh dầu ướp xác, muối… đều được ông đầu tư mua về.
Mất 6 năm để xây dựng lăng mộ 2ha
Được tận mắt chứng kiến kiến trúc cũng như phương pháp thi công tại các hầm mộ ở Trung Quốc, Ai Cập… ông Đức quyết tâm thực hiện cho lăng mộ của mình. Ông muốn đây không chỉ là nơi an nghỉ cuối cùng mà còn giúp con cháu tự hào về cha đã sống một cuộc đời không tầm thường.
Ông đã tốn rất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc cho khu lăng mộ độc nhất vô nhị này. Ông bắt đầu bằng việc thuê 30 thợ lành nghề kỳ công, đẽo đục đá trên núi thành hầm mộ và lối đi. Muốn vào hang, phải lách người qua khe hẹp, nhiều đoạn phải bò.
Từ năm 2000 – 2006, trong 6 năm trời đội ngũ ông thuê mới có thể hoàn thành công trình với những chi tiết tỉ mỉ, đảm bảo chính xác về các phương diện phong thủy, pháp sư, hướng, độ cao, số bậc thang…
Khu mộ hiện đã xây hoàn chỉnh với 2 ngôi cạnh nhau, phía trên có 2 tấm bê tông. Hầm mộ này sâu khoảng chục mét để chứa xác ướp. Có thể nói phần mộ này vô cùng đặc biệt. Hầm mộ có phần nổi cao trên mặt đất là 2 khối bê tông kiên cố, kích thước dài 12m, rộng 7,5m, chiều cao tính từ nền đất trang trại là 25m. Trên mặt hầm mộ đặt 1 tấm bê tông lớn được trang trí như hình bàn cờ.
Phía dưới hầm mộ có hệ thống xe goòng đưa quan tài vào sâu trong núi, 2 đoạn đường ray xe goòng này mỗi đoạn dài 20m. Đây là đoạn đường sẽ men theo đường hầm trên núi đá đào sẵn vào khu mật thất cuối cùng, nơi tiến hành ướp xác.
Vị đại gia này tiết lộ, khi ông mất, máy cẩu sẽ nhắc nắp bê tông lên, đưa thi thể vào hầm mộ. Vị trí đặt xác của ông sẽ nằm sâu 18m trong lòng đất, vào sâu các ngóc ngách của lòng núi và không tiết lộ cho bất cứ ai biết. Ông đặc biệt dặn con cháu không được chôn theo tài sản có giá trị nào để tránh việc bị trộm mộ, phá vỡ đi sự yên nghỉ và bền vững.
Công trình mà ông Đức dày công chuẩn bị cho chính mình khi “khuất núi” thực sự khiến nhiều người phải kinh ngạc. Ông từ chối tiết lộ chi phí vì không muốn mọi người nghĩ mình khoe khoang. Ông Đức rất tự hào về khu mộ của mình và hi vọng sau này, nó sẽ trở thành một địa chỉ mà nhiều người có thể đến để thưởng lãm phong cảnh và thư giãn.