Tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”.
Quý I/2023 xuất siêu 4,8 tỷ USD
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3/2023 có sự hồi phục, ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước nhưng xuất khẩu tháng 3 vẫn giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước, do những khó khăn trong sản xuất và sụt giảm đơn hàng xuất khẩu…
Tính chung quý I/2023, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với quý I/2022 (có 16 mặt hàng), chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%).
Một số nguyên nhân được chỉ ra, thứ nhất là do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau. Cụ thể, những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều,... ít chịu tác động hơn.
Ngoài ra, một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu.
Điểm tích cực trong hoạt động xuất nhập khẩu quý I/2023 là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, thặng dư đạt 4,8 tỷ USD và đến hết tháng 4, có thể đạt 5,8 tỷ USD. Trong đó có một số mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực như rau quả đạt 912 triệu USD, tăng 16,2%; mặt hàng gạo đã xuất 1,86 triệu tấn, đạt 981 triệu USD, tăng 34% giá trị… Thậm chí tính đến ngày 15/4, Việt Nam đã xuất 2,37 triệu tấn gạo, đạt 1,2 tỷ USD, tăng 45% về giá trị.
Nâng cao năng lực cạnh tranh các ngành xuất khẩu
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua, đại diện các hiệp hội, ngành hàng kinh doanh, xuất khẩu đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất giải pháp để tháo gỡ trong thời gian tới.
Hiện các ngành hàng dệt may, da giày và đồ gỗ đang trong giai đoạn khó khăn do giảm tổng cầu trên toàn thế giới. Hiệp hội các ngành hàng này đều thống nhất cần có hai nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ doanh nghiệp.
Kiến nghị giải pháp ngắn hạn để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách cho rằng, nên tập trung các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong đó có các nghĩa vụ bắt buộc như bảo hiểm xã hội, phí công đoàn; giảm lãi suất; chi phí logistics như chi phí cầu cảng; nhanh chóng hoàn thuế VAT…
Cụ thể, ông Diệp Thành Kiệt cho biết, chi phí nhân công của ngành đang cao hơn rất nhiều so với các quốc gia cạnh tranh trực tiếp với nước ta. Thu nhập trung bình của lao động da giày tại Việt Nam khoảng 350 USD/tháng, trong khi Indonesia là 150 USD, Bangladesh chỉ khoảng 120 USD.
Đồng thuận với đề xuất giảm chi phí cho doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiến nghị xem xét gói vay với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp vay trả lương như đã thực hiện trong giai đoạn dịch COVID-19. Đồng thời xem lại các điều kiện của gói vay hỗ trợ 2% lãi suất vì thực tế giải ngân rất thấp, doanh nghiệp khó tiếp cận.
Về dài hạn, ông Diệp Thành Kiệt cho rằng cốt lõi là chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bởi vì dù muốn hay không thì các ngành sản xuất, xuất khẩu phải đầu tư công nghệ, đáp ứng yêu cầu thậm chí đón đầu những tiêu chuẩn mới của các nhãn hàng. Muốn như vậy, phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất bền vững. Đây không chỉ là vì lợi thế cho doanh nghiệp mà là vấn đề năng lực cạnh tranh quốc gia.
Dệt may cũng đang đứng trước áp lực chuyển đổi sản xuất. Các thị trường chính như EU, Hoa Kỳ có xu hướng đánh giá chuỗi sản xuất bền vững ngày càng chặt chẽ. Do vậy, Vitas đề xuất một chương trình hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi nhà máy xanh theo tiêu chuẩn của các thị trường.
"Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc chơi. Nếu chúng ta không đáp ứng được thì đối tác không đặt hàng nữa. Thực tế một số quốc gia cạnh tranh với Việt Nam như Bangladesh đang có lợi thế hơn trong mắt các nhãn hàng, họ hút đơn hàng nhiều hơn chúng ta", ông Trần Như Tùng cho hay.
Cơ hội từ các FTA có thể bị bỏ lỡ
Đại diện Vitas cũng lo ngại khả năng tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng các địa phương không mặn mà với dự án sản xuất nguyên liệu như sợi, vải vì lo ngại vấn đề môi trường. Nếu không chủ động được nguyên liệu thì các hiệp định như EVFTA, CTPPP gần như không còn ý nghĩa với dệt may Việt Nam, vì không được hưởng lợi thế thuế suất nguồn gốc xuất xứ. Lãnh đạo Vitas cho rằng, công nghệ hoàn toàn có thể kiểm soát được vấn đề môi trường, chỉ cần làm nghiêm hậu kiểm, phạt thẳng tay những đơn vị vi phạm, không vì lo sợ vấn đề môi trường mà đánh mất cơ hội chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, mất đi lợi thế của các FTA với xuất khẩu dệt may.
Song song đó, ông Tùng đề xuất Bộ Công Thương kết nối với các cơ quan tham tán thương mại ở các thị trường, nhất là các quốc gia đã tham gia các FTA với Việt Nam như EVFTA, CPTPPP để tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Trong quý I vừa qua, xúc tiến thương mại đã giúp ngành gỗ tăng trưởng tháng 3 tốt hơn so với tháng 2 đến 20% và ước tính tháng 4 có thể tiếp tục tăng thêm 5,5%. Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, kết quả này một phần nhờ sự khởi sắc đơn hàng sau các hội chợ chuyên ngành được tổ chức từ cuối tháng 2 vừa qua. Do vậy dự báo thị trường trong hai quý cuối năm sẽ tươi sáng hơn.
Ngành gỗ sẽ tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, bao gồm nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, dữ liệu của ngành và tổ chức các hội chợ quốc tế quảng bá sản phẩm.
Tăng cường giao ban, đối thoại với doanh nghiệp
Sau khi nghe 22 ý kiến từ các hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, phải hỗ trợ doanh nghiệp có đơn hàng, bởi vì thời điểm này mất đơn hàng là mất thị trường; nêu ra một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ xuất khẩu.
Đồng thời, yêu cầu các hiệp hội ngành hàng phải liên kết chặt chẽ với nhau, khắc phục tình trạng mạnh ai nấy làm và làm tốt công tác truyền thông để xã hội ủng hộ. Đơn cử như câu chuyện các địa phương không mặn mà với các dự án đầu tư sản xuất sợi, vải thì các hiệp hội phải truyền thông đánh tan những lo ngại này, để khẳng định rằng công nghệ ngày nay hoàn toàn xử lý được vấn đề môi trường trong sản xuất sợi, vải…
Về vai trò của Bộ Công Thương, ông Nguyễn Hồng Diên giao nhiệm vụ cho từng vụ, cục, đơn vị trực thuộc khẩn trương tổ chức các cuộc làm việc với các ngành, các địa phương để trao đổi, thảo luận và tìm cách tháo gỡ những kiến nghị, đề xuất trong hội nghị lần này.
Đối với nhóm việc hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường, người đứng đầu Bộ Công thương giao cho các đơn vị như Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Đa biên, Vụ Thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia. Đây là một thiết chế mới, do vậy cần phải làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng thông qua việc tổ chức các hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa thương vụ Việt Nam với các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu lớn trong nước, đại diện của các địa phương trong nước.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm khai thác và thúc đẩy các chuỗi cung ứng, lưu thông mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Một số thị trường sẽ được Bộ Công thương tập trung kết nối cho hàng hóa từ Việt Nam trong giai đoạn tới gồm khu vực Trung Đông, Mỹ Latin…
Bộ trưởng nhấn mạnh, những kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp cần phải được tập hợp, phân tích kỹ và tham chiếu ý kiến của các bộ, ngành, sau đó khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có quyết sách ở cấp cao. "Những vấn đề trong trách nhiệm thì các đơn vị phải tập trung giải quyết", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói và cam kết những vấn đề nào thuộc thẩm quyền thì Bộ sẽ thực hiện ngay.
Doanh nghiệp tại Cần Thơ thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 300 triệu đồng/người
Xây dựng tuyến cáp ngầm 77,7km đưa điện ra Côn Đảo: Doanh nghiệp nào đủ sức đảm nhận?