Bộ không cấp tiền nhưng 'cho' chính sách để đại học kiểm định chất lượng
Cục trưởng cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định, Bộ GD-ĐT không cấp tiền, nhân sự nhưng 'cho' chính sách để các trường kiểm định chất lượng.
Sáng nay (11/12), Hội nghị quốc tế mạng lưới đảm bảo chất lượng các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) diễn ra tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng.
Phát biểu tại đây, ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng cục quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho rằng, mạng lưới đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đã được luật hoá khá mạnh, thể hiện rõ ở Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học, tại các nghị định.
Việc kiểm định chất lượng được Bộ GD-ĐT cũng như các trường đặt ưu tiên hàng đầu, mục tiêu phát triển hệ thống đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đáp ứng khung kiểm định chất lượng ASEAN, thúc đẩy tự chủ đại học.
"Bộ GD-ĐT không cấp tiền, cấp nhân sự nhưng 'cho' bằng chính sách để các trường kiểm định chất lượng. Kiểm định chất lượng mang lại nhiều lợi ích cho các trường”- ông Chương khẳng định và cho hay đến thời điểm này các đại học Việt Nam cơ bản đã hoàn thành kiểm định giai đoạn 2020-2025, đang thúc giai đoạn 2022-2030.
Cả nước hiện có 2179 chương trình đạt kiểm định chất lượng, trong đó có 1558 chương trình đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước và 621 đánh giá theo tiêu chuẩn nước ngoài. Nhiều trường đại học đã đăng ký kiểm định các tổ chức quốc tế như FIBAA, ASIIN…
Hiện có 208 cơ sở giáo dục đạt kiểm định, trong đó 196 cơ sở đạt kiểm định trong nước, 12 cơ sở đạt kiểm định nước ngoài. Nhiều trường đại học đi đầu trong kiểm định như: ĐH Tôn Đức Thắng, Bách khoa...
Cục trưởng Cục quản lý chất lượng khẳng định, Bộ luôn nhất quán đảm bảo và kiểm định chất lượng để tạo động lực cải tiến liên tục và nâng cao chất lượng các trường đại học, chương trình đào tạo. Kiểm định chất lượng là quá trình liên tục, lâu dài, đòi hỏi sự phối hợp tổng thể của nhiều yếu tố.
>> Trường ĐH Công nghệ TPHCM bỏ phương án xét tuyển học bạ 3 học kỳ trong năm 2025