Bộ Tài chính đề xuất không giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước
Bộ Tài chính không muốn giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước do lo ngại vi phạm cam kết quốc tế. Trong văn bản mới đây, Bộ vẫn làm hồ sơ dự thảo Nghị định trình Chính phủ quyết định và lường trước rủi ro vi phạm cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ, đề xuất cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, đánh giá cơ sở thực tiễn việc thực hiện giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ tài chính thông qua việc trực tiếp giảm chi phí đăng ký quyền sở hữu ô tô, từ đó kích thích nhu cầu, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Qua đó, chính sách này hỗ trợ các nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ được lượng ô tô tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Bộ Tài chính vừa có tờ trình Chính phủ, đề xuất cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. |
Về cơ bản, ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương nhất trí với dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương có ý kiến rằng, việc tiếp tục giảm LPTB như dự thảo Nghị định sẽ vi phạm cam kết quốc tế, dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang, cần xây dựng phương án để chủ động ứng phó.
Vì vậy, sau khi phân tích các ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cân nhắc không thực hiện giảm mức thu LPTBđối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Để ứng phó với vi phạm cam kết quốc tế như các bộ đã nêu, Bộ Tài chính trình Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát và xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính cho biết, qua các năm, việc giảm mức thu LPTB cũng có tác động làm giảm thu NSNN, lần lượt là 7.314 tỷ đồng; 7.896 tỷ đồng và 5.238 tỷ đồng.
Nếu năm 2024 tiếp tục giảm mức thu LPTB, dự kiến NSNN sẽ giảm thu khoảng 5.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phủ nhận việc giảm 50% mức thu LPTB dẫn đến sản lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên, từ đó làm tăng số thu về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).
Bộ Tài chính cho biết, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong nước, tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024 có xu hướng phục hồi tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng, thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, một trong các nhiệm vụ, giải pháp tài chính có thể thực hiện là tiếp tục thực hiện các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Bộ Tài chính đã trình dự thảo Nghị định quy định mức thu giảm LPTB ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025, mức giảm LPTB đối với ô tô sản xuất trong nước sẽ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định 10 quy định về LPTB; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu giảm lệ phí trước bạ ô tô tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ ngày 1/2/2025 trở đi, mức thu LPTB này sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định 10 quy định về LPTB; các nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Bộ Tài chính đã có 3 lần giảm LPTB với xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước (gồm năm 2020, năm 2021 và năm 2023). Mỗi lần giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước kéo dài 6 tháng.
Tuyến đường cao tốc đầu tiên của Việt Nam sẽ được mở rộng đến 8 làn xe sau 14 năm khai thác
VinFast và dịch vụ hậu mãi khác biệt: Phê duyệt bảo hiểm siêu tốc chỉ trong 4 giờ