Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện.
Phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công
Theo Thông tư số 123/2014/TT-BTC ngày 27/8/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức vận hành, khai thác hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) thì thời hạn nhập dự toán không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhập văn bản giao dự toán, trường hợp giao bổ sung và điều chỉnh không quá 5 ngày làm việc.
Bộ Tài chính cũng đề nghị đối với số vốn bố trí để thu hồi số vốn ứng trước: hoàn thành việc nhập dự toán cho các dự án ngay sau khi phân bổ. Đồng thời, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước triển khai ngay các thủ tục thu hồi vốn ứng trước, hạch toán thanh toán cho các dự án theo quy định.
Đối với số vốn bố trí để thanh toán nợ xây dựng cơ bản, bố trí cho các dự án chuyển tiếp, hoàn thành năm 2023: hoàn thành việc nhập dự toán cho các dự án ngay sau khi phân bổ. Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư căn cứ kế hoạch được giao, hoàn thiện các thủ tục thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước để kiểm soát, thanh toán.
Đối với các dự án khởi công mới: Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục mở tài khoản và cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách để có cơ sở nhập dự toán cho các dự án đủ điều kiện phân bổ theo quy định.
Thống nhất việc thanh toán của các dự án
Để Thực hiện thống nhất việc quản lý, thanh toán, quyết toán các dự án theo quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động đăng ký tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án định kỳ hằng tháng, quý.
Ngay sau khi có khối lượng được nghiệm thu hoặc có nhu cầu tạm ứng theo tiến độ hợp đồng, khẩn trương hoàn thiện thủ tục để gửi Kho bạc Nhà nước kiểm soát và giải ngân, không để dồn thanh toán vào cuối năm. Đẩy mạnh việc thanh toán theo hình thức trực tuyến trên cổng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước để chủ động, tiết kiệm thời gian, chi phí..
Tăng cường quản lý vốn tạm ứng
Về vốn tạm ứng, để tăng cường công tác quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn NSNN đúng mục đích, đúng đối tượng và sử dụng vốn tạm ứng có hiệu quả, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng; hoàn thành nghiệm thu khối lượng để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng theo đúng thời hạn đã được quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Riêng đối với vốn nước ngoài, đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ đề nghị rút vốn gửi Bộ Tài chính (Cục Quản lý Nợ và Tài chính đối ngoại) để thực hiện rút vốn theo quy định.
Được biết, Bộ Tài Chính mới đây cũng đã văn bản đôn đốc một số địa phương khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công.
Cụ thể, các địa phương được Bộ gửi văn bản đôn đốc là Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu, Bình Dương.
Theo báo cáo của các địa phương và báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tỷ lệ giải ngân bình quân chung của các địa phương được kiểm tra tháng 10 là 35%, tháng 11 tăng lên 43%. Trong đó, vốn ngân sách địa phương là 53,4%, vốn ngân sách trung ương là 43,1%, ước giải ngân 13 tháng (31/1/2023) của 2 nguồn vốn này từ 95% đến 100%.
Đối với vốn Chương trình mục tiêu quốc gia trung ương giao vào tháng 5/2022, tỷ lệ giải ngân tháng 10 là 1,2%, tháng 11 cũng tăng lên 10,7% kế hoạch (nguồn vốn này được phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết ngày 31/12/2023 theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội).
Như vậy, sau khi có công văn của Bộ Tài chính gửi các địa phương, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực.
Tỉnh Lai Châu là địa phương có chuyển biến cao nhất, giải ngân tăng 13,1% (tháng 10 là 40,1%, tháng 11 tăng lên 53,9%), trong khi đó tỉnh Bình Dương số giải ngân vẫn chỉ đạt 5,1%. Mặc dù đã có những chuyển biến khá tích cực, tuy nhiên đây vẫn là những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn bình quân chung cả nước (58,48%).
Qua kiểm tra chi tiết trên báo cáo giải ngân vốn ngân sách trung ương cho thấy cả 6 địa phương này đều có các dự án chưa giải ngân hoặc số vốn đã giải ngân rất thấp.
Cụ thể, tỉnh Hà Giang 20 dự án, tỉnh Cao Bằng 6 dự án, tỉnh Bắc Kạn 6 dự án, tỉnh Lai Châu 4 dự án, Điện Biên 9 dự án, tỉnh Bình Dương 1 dự án. Theo quy định, thời hạn thực hiện thanh toán vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 qua Kho bạc Nhà nước chỉ còn 1 tháng nhưng vốn chưa giải ngân của 6 địa phương này còn rất lớn.
Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các cấp chính quyền địa phương phải coi việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch đã được giao là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung chỉ đạo tiếp tục thực hiện khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, phải quyết liệt triển khai nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 15/9/2022 của Chính phủ và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 17/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mà Tổ trưởng Tổ công tác số 6 đã có văn bản chỉ đạo.