Bộ Tài chính mở nút thắt gỡ vướng ‘pre-funding’ cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
Bộ Tài chính thúc đẩy sửa đổi Luật Chứng khoán, đặc biệt tháo gỡ nút thắt "pre-funding" cho mục tiêu nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Vào ngày 22/8, Bộ Tư pháp tổ chức phiên họp thẩm định đề xuất xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật như Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Tại phiên họp, đại diện Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết theo Thông báo 322/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thường trực Chính phủ, Bộ Tài chính đã khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Luật do Bộ chủ trì. Kết quả cho thấy có 7 Luật phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, việc sửa đổi và bổ sung các điều khoản của 7 Luật này nhằm thể chế hóa chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật và giám sát. Mục tiêu là đơn giản hóa thủ tục hành chính, loại bỏ cơ chế xin-cho và tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh cần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Các thành viên Hội đồng thẩm định tại phiên họp đã thảo luận về những đề xuất sửa đổi, bao gồm chính sách phân cấp, phân quyền, quản lý và sử dụng tài sản công; yêu cầu kê khai thuế đối với các sàn thương mại điện tử; quy định về kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của các doanh nghiệp lớn và việc thanh toán giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán (bao gồm chứng khoán phái sinh và chứng khoán cơ sở niêm yết/đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán….)
Đáng chú ý, Bộ Tài chính sẽ đề xuất trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024 sửa đổi bổ sung một số điều của 7 Luật đã nêu trên, đặc biệt là Luật Chứng khoán với một số điểm mới liên quan đến nâng hạng thị trường chứng khoán.
Trong đó, thành viên bù trừ bao gồm công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch trên thị trường cơ sở và phái sinh.
Ngoài ra, điều luật mới cũng cho phép Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) được thành lập pháp nhân riêng để triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) qua đó giảm thiểu rủi ro cho VSDC.
Đây được coi là những bước đi quan trọng để giải quyết một cách căn bản, dài hạn vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) trên cơ sở tổ chức và triển khai thành công hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP), qua đó tiến gần tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.
Toàn cảnh cuộc họp thẩm định đề xuất xây dựng dự án sửa đổi 7 Luật tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực tài chính |
Kết luận phiên họp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận các ý kiến đóng góp và khẳng định Bộ Tư pháp sẽ tiếp thu đầy đủ để đưa vào báo cáo thẩm định. Ông cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc xây dựng 18 chính sách sửa đổi, bổ sung theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thứ trưởng cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo bổ sung thêm nội dung liên quan đến sự liên kết giữa 7 Luật này, sự phù hợp với điều ước quốc tế và cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, cần làm rõ tính cấp bách và cần thiết để đề xuất xây dựng Luật theo quy trình rút gọn nhằm thông qua trong một kỳ họp Quốc hội.
Câu chuyện hệ thống KRX vận hành và bước ngoặt sau 12 năm chờ đợi
MSCI: Việt Nam đang đi đúng hướng trên chặng đường nâng hạng thị trường chứng khoán