Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên không mang quân hàm vẫn đứng đầu ngành, được Nhà nước trao tặng huân chương cao quý nhất
Ông cũng là người có thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an dài nhất trong lịch sử của ngành, với 28 năm (từ 1953-1980).
Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên là ông Trần Quốc Hoàn (1916-1986, quê Nam Đàn, Nghệ An). Trước khi công tác trong ngành Công an, ông đã tham gia cách mạng từ rất sớm và được giao nhiều trọng trách quan trọng như Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ (1945); Bí thư Liên khu ủy Liên khu II (1947); Bí thư Khu ủy Khu X (1948); Bí thư Khu ủy Đặc khu Hà Nội (1949).
Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên - ông Trần Quốc Hoàn (1916-1986). Ảnh tư liệu/Báo điện tử VOV |
Theo tư liệu lịch sử, ngày 16/2/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi Nha Công an Việt Nam thành Thứ Bộ Công an. Tại kỳ họp từ ngày 27/8 đến 29/8/1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an và ông Trần Quốc Hoàn trở thành Bộ trưởng đầu tiên.
Ông cũng là người có thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an (có thời gian đổi tên gọi Bộ Nội vụ, đến năm 1998 được đổi lại tên Bộ Công an) dài nhất trong lịch sử của ngành, với 28 năm (từ 1953-1980). Dù có thời gian giữ chức Bộ trưởng dài như vậy nhưng ông Trần Quốc Hoàn lại không mang cấp bậc hàm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 14, tháng 1/1960. Ảnh tư liệu/Báo điện tử VOV |
Trên các cương vị công tác, đặc biệt với ngành Công an, ông đã có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng. Ông để lại câu nói nổi tiếng: "Cán bộ, chiến sĩ công an phải thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi, lấy niềm vui hạnh phúc của dân làm lẽ sống của mình".
Từ năm 1954, ông kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội, trực tiếp tổ chức tốt cuộc tiếp quản Thủ đô và chuyển Chính phủ, Trung ương Đảng ta từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn (áo đen ở giữa) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các sĩ quan. Ảnh tư liệu/Báo Dân Việt |
Năm 1960, tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, ông được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; đến năm 1972, là Ủy viên chính thức Bộ Chính trị. Năm 1976, tại Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu lại vào Bộ Chính trị. Ông là Ủy viên Hội đồng Quốc phòng.
Từ năm 1961 đến năm 1984, ông tham gia Quân uỷ Trung ương. Cuối năm 1980, ông được cử vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Năm 1982, tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được cử làm Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Gia đình cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Ảnh tư liệu/Báo CAND |
Ông là Đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII. Với những công lao to lớn, ông đã được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương, trong đó có Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta.
Đầu tháng 9/1986, ông đã qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 70 tuổi.
Ngày nay, tên của ông được đặt cho một con đường ở phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy, Hà Nội), một con đường ở quận Tân Bình (TP. HCM) và một con đường ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An).