Vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam, sau này là Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07-05-2024 10:30|Quỳnh Như

Ông là một nhà lãnh đạo tài năng, uy tín, một nhà văn hóa lớn của đất nước, được bạn bè quốc tế trân trọng, nể phục.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chịu ảnh hưởng sâu sắc của Người về tư tưởng, đạo đức, tác phong, về tư duy chính trị và văn hóa. Với bề dày công tác (ông đã có 35 năm liên tục là Ủy viên Bộ Chính trị (1951-1986), 32 năm là Thủ tướng Chính phủ (1955-1987), 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1986-1997), cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhà lãnh đạo tài năng, uy tín, một nhà văn hóa lớn của đất nước, được bạn bè quốc tế trân trọng, nể phục.

Được Bác Hồ trực tiếp giáo dục và rèn luyện

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng khi là một trí thức yêu nước. Ông sinh ngày 1/3/1906, quê xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình trí thức quan lại. Quá trình đi làm cách mạng, ông còn mang các tên: Lâm Bá Kiệt, Tô, Tống...

Chân dung cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: Báo Đồng Nai

Chân dung cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ảnh: Báo Đồng Nai

Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi còn là một thanh niên, Phạm Văn Đồng đã sớm giác ngộ cách mạng. Ông đã biết đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tìm hiểu tư tưởng cách mạng của Người thông qua sách báo được truyền bá vào Việt Nam lúc bấy giờ như báo Người cùng khổ, Nhân đạo, Tạp chí thư tín quốc tế…

Năm 1926, ông được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của ông.

Phạm Văn Đồng đã nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới - con đường cách mạng vô sản và được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Cũng từ đó, ông có điều kiện gặp gỡ nhiều hơn với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ý chí cách mạng, lý tưởng cộng sản và tinh thần yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc tới tình cảm và lý tưởng của ông, biến ông từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cách mạng chân chính.

Đầu năm 1940, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã giao cho Phạm Văn Đồng những nhiệm vụ quan trọng. Cũng từ đây, bắt đầu một thời kỳ dài gần 30 năm (cho tới khi Bác mất), đồng chí Phạm Văn Đồng thường xuyên làm việc bên Bác, theo sự chỉ dẫn và phân công của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng (thứ 2 từ phải sang), Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7/1954). Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí: Phạm Văn Đồng (thứ 2 từ phải sang), Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh sau giờ họp Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 7/1954). Ảnh tư liệu/Báo QĐND

Là một trong những cán bộ tiền bối, được Bác Hồ trực tiếp giáo dục và rèn luyện, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trở thành người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi và thân thiết của Bác Hồ.

Người đứng đầu ngành Tài chính

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Với vai trò là người đứng đầu ngành Tài chính trong bối cảnh "ngàn cân treo sợi tóc", dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo toàn ngành tập trung xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, vừa phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.

Ông đã cùng toàn ngành Tài chính tiến hành cải cách hệ thống thuế cũ, bãi bỏ các thứ thuế bất hợp lý, xây dựng một chế độ thuế mới phù hợp, đồng thời kêu gọi nhân dân tự nguyện đóng góp, ủng hộ chính quyền cách mạng. Việc khôi phục, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, coi đây là quốc sách hàng đầu cũng được ngành Tài chính thực hiện góp phần khích lệ toàn dân tham gia hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc...

Đặc biệt, để chủ động về mặt tài chính, khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế của Nhà nước cách mạng non trẻ, ngành Tài chính đã phát hành thành công Giấy bạc Tài chính hay Giấy Bạc Cụ Hồ, vừa làm vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, tín dụng, tiền tệ, vừa đảm bảo cung cấp cho nhu cầu chi tiêu tài chính của đất nước và quốc phòng. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hình thành một nền tài chính độc lập, tự chủ, lấy dân làm gốc, dựa vào dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Tuy nắm giữ cương vị người đứng đầu ngành Tài chính trong thời gian ngắn (9/1945-3/1946) trong bối cảnh đất nước đang ở trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng, ngành Tài chính đã từng bước củng cố, xây dựng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cung cấp cho các nhu cầu chi tiêu to lớn và cấp bách của công cuộc kháng khiến.

Người đảm nhiệm chức Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử

Tháng 6/1949, Phạm Văn Đồng từ Nam Trung Bộ trở lại Tuyên Quang nhận công tác mới, được bổ sung là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 25-27/7/1949, ông được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng tối cao.

Tháng 9/1953, Bộ Chính trị đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong Chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954. Hội đồng Chính phủ quyết định thành lập “Hội đồng cung cấp Mặt trận” do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Hội đồng cung cấp có nhiệm vụ chỉ đạo việc tiếp tế cho tiền tuyến của các cơ quan kho thóc, y tế, mậu dịch; lo công tác vận tải và dân công, huy động tối đa sức người, sức của cho các trận đánh lớn trên chiến trường.

Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đến Genève (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Ảnh: TTXVN

Phái đoàn ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, đến Genève (Thụy Sĩ) tham dự Hội nghị Genève về Đông Dương. Ảnh: TTXVN

Từ Kim Quan, tháng 3/1954, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng – Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã lên đường tham dự Hội nghị Genève.

Từ năm 1955-1987, Phạm Văn Đồng được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian từ 1986-1997, ông là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Với 32 năm trên cương vị Thủ tướng, ra sức củng cố chính quyền nhân dân, ông là người đảm nhiệm chức Thủ tướng lâu nhất trong lịch sử.

Thủ tướng Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng đoàn đại biểu Cuba đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc mít tinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng đoàn đại biểu Cuba đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN

Ông qua đời tại Hà Nội ngày 29/4/2000. Với 94 tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho đất nước, mang hết nhiệt tình, tài năng và trí tuệ phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Tham khảo:

- Đồng chí Phạm Văn Đồng-Nhà lãnh đạo tài năng, tấm gương đạo đức trong sáng - Báo Tin Tức

- Phạm Văn Đồng-Nhà cách mạng trí thức - Báo QĐND

- Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng - Báo Chính Phủ

- Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Cổng TTĐT Đảng bộ Tuyên Quang

- Về vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính - Tạp chí Tài chính

>> Vị tướng Việt Nam mang hàm Đại sứ: Một trong những vị tướng đầu tiên của quân đội, từng lãnh đạo 5.000 công nhân đấu tranh làm nên 'Phú Riềng đỏ' lịch sử

Người giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâu nhất lịch sử Việt Nam: Gần 30 năm đứng đầu ngành giáo dục, được đích thân Bác Hồ dặn dò 'phải chia bớt chữ cho nhân dân'

Nhà khoa học từng giữ trọng trách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, là người thay mặt QĐND Việt Nam trực tiếp ký Hiệp định Genève 1954, được bầu Đại biểu Quốc hội liên tục nhiều khóa

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/vi-bo-truong-dau-tien-cua-nganh-tai-chinh-viet-nam-sau-nay-la-thu-tuong-viet-nam-tai-vi-lau-nhat-nguoi-hoc-tro-xuat-sac-cua-chu-tich-ho-chi-minh-d122049.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vị Bộ trưởng đầu tiên của ngành Tài chính Việt Nam, sau này là Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    POWERED BY ONECMS & INTECH