Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Ngăn chặn tình trạng lập doanh nghiệp ma, tăng vốn ảo
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, sáng 9/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến việc thành lập, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất – kinh doanh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và minh bạch.
Ở lần sửa đổi này, dự thảo Luật bổ sung quy định về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp. Theo đó, chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên, hoặc được hưởng trên 25% lợi nhuận, hoặc là cá nhân cuối cùng chi phối doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đăng ký kinh doanh của UBND cấp tỉnh, quy định chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không góp đủ vốn điều lệ cam kết, vốn ảo, khai khống...
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, việc bổ sung các quy định này nhằm tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải nâng cao trách nhiệm trong công tác hậu kiểm, nhất là đối với tình trạng doanh nghiệp ma, vốn ảo hoặc các hành vi núp bóng góp vốn, mua cổ phần để chi phối và thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Dự thảo Luật cũng bãi bỏ hai nội dung nhằm giảm bớt giấy tờ doanh nghiệp, cá nhân phải nộp, đồng thời giản lược thông tin doanh nghiệp cần kê khai cho cơ quan đăng ký kinh doanh.
Đặc biệt, việc xác thực định danh cá nhân thông qua kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình thành lập doanh nghiệp sẽ giúp các cơ quan quản lý giám sát chặt chẽ nhân thân, tư cách pháp lý của người thành lập doanh nghiệp ngay từ đầu, mà không ảnh hưởng đến quyền tự do gia nhập thị trường hay làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.
>>Đổi mới 2.0: Kinh tế tư nhân được giải phóng như thế nào sau Nghị quyết 68?
![]() |
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài chính, trình bày tờ trình dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) - Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi khẳng định, Ủy ban nhất trí với sự cần thiết và cơ sở chính trị, thực tiễn để xây dựng dự án Luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Ông Phan Văn Mãi cho rằng việc bổ sung quy định và giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết về kê khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi là phù hợp với định hướng đổi mới trong công tác xây dựng luật.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, quy định rõ hơn chủ thể doanh nghiệp cần kê khai trên cơ sở tối ưu hóa thông tin khai thác từ hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước về doanh nghiệp, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; rà soát quy định chuyển tiếp bảo đảm hợp lý, khả thi đối với doanh nghiệp được thành lập trước thời điểm Luật này có hiệu lực.
Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, để đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật và ý nghĩa của Luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn, Ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ, các cơ quan ngang Bộ có liên quan và địa phương: khẩn trương xây dựng Nghị định của Chính phủ bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật và đáp ứng yêu cầu của FATF; bảo đảm không mâu thuẫn với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, gây khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; quy định ở mức độ hợp lý, khả thi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Chính phủ cũng cần nhanh chóng ban hành hướng dẫn đầy đủ, chi tiết; thực hiện các biện pháp hỗ trợ và bảo đảm điều kiện thực hiện khác để không tạo thêm áp lực hoạt động doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp thực hiện các quyền về tự do kinh doanh với chi phí thấp; nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp bảo đảm thông tin được tích hợp, chuẩn hóa, cập nhật đầy đủ, có sự liên thông, kết nối, chia sẻ.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khác về phòng, chống rửa tiền theo khuyến nghị của FATF, chú trọng công tác thi hành pháp luật, bảo đảm mục tiêu Việt Nam không bị đưa vào danh sách đen.