Vĩ mô

'Cha đẻ' của các phiên bản Luật Doanh nghiệp chỉ ra điểm mấu chốt của NQ68 để doanh nghiệp 'yên tâm mang tiền đi kinh doanh'

Khúc Văn 09/05/2025 09:41

TS Nguyễn Đình Cung đánh giá, nếu nhìn một cách tổng thể, Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân vừa được ban hành đã đưa ra các giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân một cách đồng bộ, đầy đủ và nhất quán. Điều này sẽ giúp khắc phục vấn đề căn bản của khu vực kinh tế tư là “doanh nghiệp vẫn sợ lớn lên”.

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân với lời khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng hàng đầu của nền kinh tế quốc dân.

Nghị quyết 68đã thẳng thắn thừa nhận kinh tế tư nhân bị cản trở bởi "định kiến, thủ tục rối rắm, chi phí kinh doanh cao, thiếu bình đẳng tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ". Đáng nói khi đi vào thực tiễn, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ là cuộc tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử đương đại về quan hệ giữa quyền lực và thị trường.

Về vấn đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).

'Cha đẻ' của các phiên bản Luật Doanh nghiệp chỉ ra điểm mấu chốt của NQ68 để doanh nghiệp 'yên tâm mang tiền đi kinh doanh'
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).

-Được mệnh danh là "cha đẻ" của các phiên bản Luật Doanh nghiệp và quan tâm tới các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp, theo quan điểm của ông, đâu là những điểm mới của Nghị quyết 68 được Bộ Chính trị ban hành lần này?

Tôi có thể tóm gọn những vấn đề mới của Nghị quyết bằng một số ý chính như sau:

Đầu tiên, Nghị quyết 68 đã đánh giá đúng vai trò, vị trí và sự đóng góp của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Đây là lần đầu tiên, khu vực kinh tế tư nhân được xem là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Với thông điệp này thì sau 40 năm Đổi Mới, Việt Nam đã thực sự có một nhìn nhận không né tránh về vai trò quan trọng của khu vực doanh nghiệp tư nhân khi khu vực này với 940.000 doanh nghiệp, 5 triệu hộ kinh doanh, đang gánh 50% GDP và hơn 80% lao động, nhưng lại phải chịu “nhiều thiệt thòi” và bị bỏ lại phía sau trong chuỗi ưu đãi thể chế, nơi mà quyền lực hành chính vẫn thường xuyên “xin - cho” dưới danh nghĩa “quản lý” các ngành nghề, quản lý doanh nghiệp khi tham gia vào thị trường.

Tiếp đó, Nghị quyết lần này đã nhấn mạnh quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Đây thực là điểm nhấn đáng chú ý bởi trước đây, chúng ta gần như không nhắc tới vấn đề này, và nếu có nhắc cũng rất né tránh. Hiện nay, với điểm nhấn này các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sẽ yên tâm làm ăn kinh doanh.

Ngoài ra, nếu nhìn một cách tổng thể, Nghị quyết đã đưa ra các giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân một cách đồng bộ, đầy đủ và nhất quán. Điều này sẽ giúp khắc phục vấn đề căn bản của khu vực kinh tế tư nhân mà tôi đã nói từ lâu là “doanh nghiệp vẫn sợ lớn lên”.

Cuối cùng, cũng là để doanh nghiệp yên tâm làm ăn kinh doanh, Bộ Chính trị đã quyết định đưa vào Nghị quyết quy định mỗi năm chỉ được thanh tra một lần. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên chúng ta có quy định này nhưng với việc Nghị quyết một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu này cho thấy quyết tâm xây dựng lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh, để doanh nghiệp thực sự yên tâm kinh doanh mà không lo sợ rủi ro về mặt chính sách.

Trên này là những vấn đề mới mà tôi thực sự ấn tượng, đây cũng là những thông điệp mạnh mẽ của Bộ Chính trị khi xây dựng để xây dựng và phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

-Nghị quyết lần này đặt ra mục tiêu Việt Nam phải có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu trên?

Như tôi đã nói ở trên, Nghị quyết lần này đã hành đầy đủ các giải pháp để phát triển kinh tế tư nhân. Tôi tin rằng nếu thực hiện đầy đủ các giải pháp như trên thì mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 là hoàn toàn có thể.

-Vậy ông có lưu ý gì cho các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiệm vụ này không, thưa ông?

Để Việt Nam có được 2 triệu doanh nghiệp hoạt động vào 2030, mỗi năm chúng ta phải có 200.000 doanh nghiệp mới. Như vậy, nếu tính về mặt tốc độ, mỗi năm trung bình, chúng ta cần tăng trưởng 10-20% số lượng doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp như vậy thực sự là một thách thức bởi hiện nay, chúng ta chỉ đạt 3-4% số lượng doanh nghiệp tăng lên mỗi năm, có những năm thậm chí còn âm.

Nên để đạt được điều nay, vấn đề cải cách môi trường kinh doanh cần phải được tiến hành một cách triệt để. Cùng với đó phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, đất đai, khoa học công nghệ... Đây chính là toàn bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết 68.

Với thủ tục gia nhập thị trường và thành lập doanh nghiệp, chúng ta phải cải cách thật mạnh mẽ. Từ đây, chúng ta sẽ có môi trường kinh doanh an toàn, tin cậy và thuận lợi để doanh nghiệp có thể yên tâm “mang tiền” của họ đi kinh doanh. Như Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, môi trường kinh doanh phải thúc đẩy sự tham gia của tất cả các doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm xã hội – đó chính là nền tảng để phát triển.

Kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ - Ảnh minh họa
Kinh tế tư nhân Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ được mở ra từ Nghị quyết 68.

-Trong quá khứ, chúng ta cũng đã có nhiều chính sách để phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Vậy, các chính sách trong quá khứ để lại cho chúng ta những bài học như thế nào cho việc phát triển kinh tế tư nhân ở thời điểm hiện nay, thưa ông?

Đúng là chúng ta cần rút ra kinh nghiệm từ những lần trước. Với các chính sách lần này, cá nhân tôi cho rằng việc giao trách nhiệm cho một bộ hoặc cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện mục tiêu là rất quan trọng. Người đứng đầu phải có trách nhiệm rõ ràng và thực sự quan tâm đến khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần có một đội ngũ độc lập, chuyên trách theo dõi, đánh giá và kiến nghị các giải pháp, đề xuất kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền.

Trong quá trình thực hiện, đánh giá định kỳ hàng tháng, hàng quý, sáu tháng và hàng năm là rất cần thiết. Qua đó, rõ ràng chúng ta sẽ thấy lý do vì sao số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng hay giảm, và từ đó đề ra các giải pháp phù hợp để xử lý bất cập. Nếu có một cá nhân hoặc cơ quan đủ thẩm quyền, tâm huyết, và có trách nhiệm, thì chắc chắn quá trình này sẽ hiệu quả và sinh động hơn.

Tôi hy vọng rằng lần này, chúng ta sẽ có cách tư duy mới, hệ thống giải pháp đồng bộ theo đúng tinh thần Nghị quyết 68, thực thi quyết liệt để mục tiêu đề ra có thể đạt được. Chúng ta cần tránh cách làm theo lối truyền thống; nếu cứ duy trì theo cách cũ, mục tiêu khó có thể hoàn thành — điều đó sẽ làm lỡ cơ hội phát triển của đất nước.

Tôi cũng cho rằng ngay trong kỳ họp lần này, Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết đặc biệt về phát triển kinh tế tư nhân, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý đối với hàng ngàn dự án đầu tư hiện nay. Việc loại bỏ các rào cản này sẽ giải phóng nguồn lực lớn, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng trong năm nay và những năm tới.

Đây là một giải pháp không thể thiếu, có thể quyết định sự thành công của các mục tiêu phát triển, đồng thời tăng niềm tin về khả năng thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68 như đã đề cập.

-Với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, ông có khuyến nghị gì tới họ, thưa ông?

Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, nếu muốn lớn mạnh và mở rộng quy mô, doanh nghiệp không thể tiếp tục đầu tư theo kiểu tràn lan, tùy tiện và quản lý theo lối cũ, thiếu khoa học mà cần quản lý chuyên nghiệp, có hệ thống, ứng dụng công nghệ quản lý tiên tiến, chuyên môn hoá. Điều này đòi hỏi người quản lý, nhà đầu tư phải liên tục học hỏi, thay đổi tư duy để thích nghi với xu thế và cảnh quan phát triển mới.

Chỉ khi đó, chúng ta mới tận dụng tốt các cơ hội phát triển bền vững thay vì theo kiểu ngắn hạn. Đồng thời, vấn đề kinh doanh có trách nhiệm cũng phải được đặt lên hàng đầu.

Cùng với đó, doanh nghiệp không chỉ hướng tới lợi ích riêng mà còn phải có trách nhiệm xã hội, coi tài sản là tài sản của cộng đồng, sản phẩm của xã hội – người chủ doanh nghiệp cần có tinh thần cống hiến, đam mê và ý thức phục vụ lợi ích chung. Khi doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên tinh thần đó, thì sự phát triển sẽ bền vững hơn về cả lâu dài và xã hội.

-Xin cảm ơn ông!

>>Ông Trương Gia Bình: Công nghệ và ngoại ngữ là 'tấm hộ chiếu' của người Việt trong kỷ nguyên số

Đổi mới 2.0: Kinh tế tư nhân được giải phóng như thế nào sau Nghị quyết 68?

Hòa Phát (HPG) bước chân vào chuỗi dự án đường sắt 100 tỷ USD, tạo sức bật cho nền kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cha-de-cua-cac-phien-ban-luat-doanh-nghiep-chi-ra-diem-mau-chot-cua-nq68-de-doanh-nghiep-yen-tam-mang-tien-di-kinh-doanh-289101.html
Bài liên quan
  • Sau sáp nhập, địa phương này trở thành điểm đến lý tưởng cho kinh tế tư nhân bứt phá
    Sau sáp nhập, địa phương mới với hơn 4,6 triệu dân và diện tích gần 3.200 km², có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, sẽ có cơ hội bứt phá mạnh mẽ.
  • Kinh tế tư nhân: Từ tháo gỡ đến cởi bung rào cản
    Nghị quyết 68 sẽ giúp tháo bỏ hết ‘vòng kim cô’ trói buộc từ tư duy đến thể chế, để thiết lập môi trường mới cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
  • Nghị quyết quan trọng nhất giúp kinh tế tư nhân bứt phá
    Trong suốt gần 40 năm Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp lớn vào GDP, giải quyết việc làm, thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới sáng tạo và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, chưa bao giờ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định mạnh mẽ như trong Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị, khi lần đầu tiên "kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân".
  • Việt Nam sắp tổ chức đào tạo 10.000 CEO, đưa kinh tế tư nhân cất cánh
    Loạt chính sách mới sẽ mở ra cơ hội lớn cho kinh tế tư nhân, đặc biệt trong đào tạo nhân lực và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững.
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Cha đẻ' của các phiên bản Luật Doanh nghiệp chỉ ra điểm mấu chốt của NQ68 để doanh nghiệp 'yên tâm mang tiền đi kinh doanh'
    POWERED BY ONECMS & INTECH