Vĩ mô

Bộ trưởng Tài chính: Không sửa Luật Quy hoạch, sau sáp nhập tỉnh 'sẽ tắc tất cả'

Trần Thường 28/05/2025 - 14:55

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, nếu không sửa Luật Quy hoạch thì từ ngày 1/7, các tỉnh hoạt động theo mô hình mới sẽ "tắc tất cả". Việc triển khai dự án ở địa phương không làm được.

Quốc hội sáng nay thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết Luật Quy hoạch được soạn thảo năm 2017, đến năm 2022 Quốc hội có Nghị quyết 61 nêu ra rất nhiều vấn đề của quy hoạch và đề nghị Chính phủ đánh giá, sửa đổi tổng thể luật. Sau đó, luật được sửa một vài lần.

Qua phát biểu của một số đại biểu, ông Huân cho rằng nếu chỉ sửa một vài chương, điều thì không giải quyết được vấn đề căn cơ cho phát triển.

202505280926397817_088657ff7657c3099a46 (2).jpg
Đại biểu Nguyễn Quang Huân. Ảnh: Quốc hội

"Tổng Bí thư nói rằng phải từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Chuyển đổi tư duy từ quản lý sang kiến tạo, thể chế là phải kiến tạo. Vậy chúng ta kiến tạo làm sao được nếu Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch vẫn cứ thực hiện.

Trước đây, tại phiên họp đấu thầu tôi đã trình bày, chúng ta quy định quá chi tiết từng khâu, từng công đoạn thực hiện của từng địa phương, bộ, ngành. Thực hiện trái luật là không được, còn thực hiện theo luật thì không còn không gian để sáng tạo, mà không sáng tạo thì làm sao kiến tạo được", ông Huân đặt vấn đề.

Ông cho rằng nên mạnh dạn xem tính khả thi của Luật Quy hoạch hiện nay, nhất là trong bối cảnh sáp nhập các địa phương, "quy hoạch không thể cộng với nhau được, 2 quy hoạch cộng với nhau thành 1 quy hoạch được".

Ông phân tích, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương có 3 quy hoạch đã được phê duyệt khi sáp nhập thành 1. Ba quy hoạch này tiến hành song song thế nào, còn nếu cộng 3 quy hoạch để thành 1 thì không thể, vì sáp nhập tỉnh tạo không gian phát triển mới.

Ông mạnh dạn đề nghị Quốc hội và các cơ quan xem xét nên dừng thực hiện Luật Quy hoạch để đánh giá toàn diện, nếu không thì nên dừng thực hiện một số điều mà các đại biểu đang cho rằng rất vướng.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cũng bày tỏ thắc mắc tại sao Luật Quy hoạch sửa rất nhiều, ở dưới cơ sở rất khó triển khai, "chúng ta sửa như thế này thực sự đã tận gốc chưa hay cứ vá víu...".

Ông cho rằng đội ngũ chuyên gia ở khâu tổ chức thực hiện có vai trò quan trọng, tuy nhiên năng lực quy hoạch chưa đáp ứng được do chưa nắm bắt được tinh thần của luật mới.

202505280932106103_783532852f2d9a73c33c (1).jpg
Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu trong phiên thảo luận sáng nay. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Luật Quy hoạch lần này phải gấp rút sửa. Nếu không sửa thì từ ngày 1/7 khi các tỉnh hoạt động theo mô hình mới sẽ "tắc tất cả", việc triển khai dự án ở địa phương không làm được.

Theo đó, luật định hướng tất cả địa phương sẽ thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi Nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh có hiệu lực. Đồng thời đảm bảo nguyên tắc các quy hoạch đang được triển khai tiếp tục được thực hiện cho đến khi quy hoạch điều chỉnh có hiệu lực.

Dự thảo luật đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tối đa, tăng cường quyền tự chủ, tính chủ động sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành. Nếu theo quy định hiện hành của Luật Quy hoạch thì phân cấp rất khó khăn, địa phương muốn thay đổi gì đều phải trình lên Chính phủ, Quốc hội.

Một số đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi của việc phân cấp. Bộ trưởng khẳng định: "Đây là yêu cầu bắt buộc. Nếu cứ theo quy trình cũ, trình Chính phủ rồi chờ Quốc hội phê duyệt, địa phương sẽ mất rất nhiều thời gian. Do đó, cần quyết liệt đẩy mạnh phân cấp, phân quyền".

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho 34 địa phương theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, phương chịu trách nhiệm" trong thu hút các doanh nghiệp, các dự án.

Với đề xuất tạm dừng Luật Quy hoạch và Luật Đấu thầu, ông Thắng khẳng định là "không được vì không kiểm soát được mình dừng thì lại không ổn...".

Bộ trưởng Tài chính cho biết, tất cả các quốc gia đều có Luật Đấu thầu, khi sử dụng vốn đầu tư công, sử dụng ngân sách là phải có Luật Đấu thầu.

"Không thể nói bây giờ bỏ hay dừng Luật Đấu thầu, các đại biểu Quốc hội có thể tham khảo 100% các quốc gia, có điều gì chưa phù hợp hoặc không phù hợp thì phải cầu thị, phải điều chỉnh, phải xây dựng để thực hiện. Một đất nước thì phải có luật và phải có quy hoạch. Nếu bây giờ chúng ta dừng Luật Quy hoạch thì Chính phủ có điều hành được không, các địa phương có triển khai được không", ông Thắng phân tích.

>> Thẩm quyền mới của Thủ tướng, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh về quy hoạch khi sáp nhập tỉnh

Điều khác biệt giữa 3 Bí thư Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình trước khi sáp nhập tỉnh

Long Khánh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trước cuộc sáp nhập tỉnh, thành

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bo-truong-tai-chinh-khong-sua-luat-quy-hoach-sau-sap-nhap-tinh-se-tac-tat-ca-2405667.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Bộ trưởng Tài chính: Không sửa Luật Quy hoạch, sau sáp nhập tỉnh 'sẽ tắc tất cả'
    POWERED BY ONECMS & INTECH