Bộ Y tế chính thức phản hồi về tin đồn ‘xử phạt trách nhiệm xã hội đối với người độc thân’
Trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc Bộ Y tế đề nghị thí điểm "xử phạt người độc thân", Bộ Y tế đã khẳng định rằng đây là tin bịa đặt, sai sự thật và gây hoang mang dư luận.
Trong thông cáo báo chí vào ngày 27/8, Bộ Y tế đã chính thức bác bỏ thông tin về việc Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất "xử phạt người độc thân" là không có cơ sở và hoàn toàn bịa đặt.
Trước đó, vào ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Công văn số 4737/BYT-VPB1 để phản hồi kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Kiến nghị này yêu cầu "có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị...". Công văn không đề cập đến việc xử phạt người độc thân như thông tin đã lan truyền.
Theo Công văn, nhằm duy trì mức sinh thay thế và đảm bảo tốc độ gia tăng dân số hợp lý, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg vào ngày 28/4/2020. Quyết định này phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp cho các vùng và đối tượng đến năm 2030, tập trung vào các địa phương có mức sinh thấp và đã đạt mức sinh thay thế, nhằm vận động, hỗ trợ và khuyến khích người dân sinh đủ hai con.
Bộ Y tế nhấn mạnh rằng, không có bất kỳ đề xuất hay kế hoạch nào liên quan đến việc xử phạt người độc thân trong văn bản. Thay vào đó, chương trình tập trung vào việc điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ để khuyến khích sinh đủ hai con, bao gồm việc bãi bỏ các quy định liên quan đến giảm sinh và giảm số con thứ ba trở lên.
Chính phủ cũng đã đề xuất một số biện pháp thí điểm nhằm hỗ trợ và khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, như hỗ trợ mua nhà ở xã hội, ưu tiên vào các trường công lập và hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em.
Dữ liệu hiện tại cho thấy Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế từ năm 2006, nhưng xu hướng sinh thấp vẫn tiếp tục gia tăng. Theo số liệu năm 2023, tổng tỷ suất sinh (TFR) ở Việt Nam là 1,96 con/phụ nữ, giảm đáng kể so với mức sinh thay thế và dự báo sẽ còn tiếp tục giảm trong những năm tới
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, mức sinh thấp chủ yếu tập trung ở các đô thị và các tỉnh có mức thu nhập cao, như Đông Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ sinh năm 2023 chỉ đạt 1,32 con/phụ nữ, là mức thấp nhất cả nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cảnh báo rằng, mức sinh thấp kéo dài có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng như già hóa dân số nhanh chóng, thiếu hụt lao động và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống an sinh xã hội.
>> Đề nghị hỗ trợ 100% chi phí khám chữa bệnh cho người mắc ung thư: Bộ Y tế trả lời