Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhấn mạnh, các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng chỉ mang tính hỗ trợ, vì vậy, tất cả những quảng cáo về "công dụng thần kỳ", gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo lừa dối và vi phạm pháp luật.
Sản phẩm Stole Naga và Nutricare Blood Sugar đang được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh
Cục An toàn thực phẩm vừa đưa ra cảnh báo sản phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng (TPCN) Stole Naga đang được quảng cáo trên shopee gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Sản phẩm Stole Naga do Công ty cổ phần Phát triển Long Vương (trụ sở chính tại Số 230, Tổ 5, cụm Bồ Đề, phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Sản phẩm thứ 2 là TPCN Nutricare Blood Sugar, cũng đang được quảng cáo tại địa chỉ https://trungsoncare.com, gây hiều nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh, những hành vi này là vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, xử lý theo quy định hiện hành. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục tại địa chỉ https://vfa.gov.vn và Cổng công khai y tế tại địa chỉ https://congkhaiyte.moh.gov.vn.
Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo vi phạm để mua và sử dụng các sản phẩm trên vì có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.
Cục An toàn thực phẩm cho biết, trên thực tế có nhiều trường hợp, khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng mời doanh nghiệp công bố sản phẩm tới làm việc, nhưng doanh nghiệp phủ nhận không phải do họ thực hiện, mà cho rằng do cá nhân, hoặc đại lý thực hiện quảng cáo, mà đại lý thì không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.
Những trường hợp này, một mặt Cục An toàn thực phẩm có công văn đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý các quảng cáo sai sự thật, mặt khác đưa ra cảnh báo tới người tiêu dùng không mua, không sử dụng các sản phẩm này.
"Sản phẩm TPCN nào quảng cáo chữa khỏi hẳn bệnh là hoàn toàn sai, vì TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ người bệnh. Có không ít đơn vị trong quảng cáo của mình đã đưa hình ảnh giấy công bố sản phẩm được Cục An toàn thực phẩm ký xác nhận, nhưng trong thực tế, Cục chưa nhận và cũng chưa ký xác nhận công bố sản phẩm đó bao giờ", Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, tất cả TPCN quảng cáo trên mạng xã hội dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh… là hoàn toàn sai sự thật, người dân tuyệt đối không mua.
Không ít sản phẩm được quảng cáo tràn lan và "thổi phồng" như thuốc chữa bệnh hiện nay, trong đó điển hình là các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan... đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân.
Doanh nghiệp trực thuộc Capella Land sắp làm KCN gần 1.700 tỷ đồng tại Nam Định
Người phụ nữ rút tiền nhưng ATM nhả gấp đôi, ngân hàng yêu cầu phải bồi thường: Lỗi thuộc bên nào?