Thống kê cuối phiên ngày hôm nay cho thấy, hiện tại chỉ có 2 CP HDB và MBB hiện đang có mức độ giảm thấp hơn so với VNINDEX trong nhịp giảm gần nhất, và tất cả các CP ngành này đều sụt giảm nhiều hơn chỉ số thị trường kể từ cuối tháng 6/2021.
CP ngân hàng hiện có tỷ trọng lớn nhất trong quy mô vốn hoá toàn thị trường chiếm 29%, nên việc nhóm này có mức giảm sâu kéo theo chỉ số chung sụt giảm bất chấp nhiều cổ phiếu những nhóm ngành nhỏ khác liên tục tăng cao.
Việc CP vua sụt giảm mạnh đến từ 2 lý do chủ yếu: (1)Lo ngại diễn biến dịch bệnh làm gia tăng nợ xấu, (2)Việc giảm lãi suất cho vay ảnh hưởng lớn đến LN của các nhà băng trong năm nay. Ngoài ra, NĐT cũng lo ngại lợi nhuận những quý đầu năm 2021 ngành ngân hàng chưa phán ánh đúng hiệu quả hoạt động. Vì những con số lợi nhuận này phần nào được giữ lại vì giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 01, Thông tư 03 và rất có thể nợ xấu sẽ tăng trong những tháng cuối năm 2021 do có độ trễ đặc thù trong hoạt động ngành này.
Nợ xấu tiềm ẩn do Covid: Nếu đánh giá riêng lẻ cụ thể, chúng ta cũng thấy được rằng, tỷ lệ dư nợ ảnh hưởng bởi Covid đối với mỗi ngân hàng là khác nhau, có những ngân hàng tỷ lệ này tương đối thấp như TCB, ACB, SHB, STB và những ngân hàng có tỷ lệ này cao như VCB, VIB, BID, CTG,…vì vậy, mức độ tác động nợ xấu tiềm ẩn đến từng ngân hàng sẽ là khác nhau. Cũng tương đối khó xác định con số tuyệt đối vì diễn biến dịch bệnh Covid vẫn đang gây khó khăn và thay đổi từng thời điểm. Nhìn chung tác động là rất lớn đến các ngân hàng. Nên NHNN mới cần các thông tư cho phép giãn, hoãn trích lập dự phòng rủi ro.
Vậy, để xác định ngân hàng nào sẽ bị nợ xấu tiềm ẩn đe doạ thì chúng ta lại phải sử dụng đến chỉ số mức độ bao phủ nợ xấu. Tỷ lệ bao nợ xấu là khoản dự trữ cho việc xử lý dự phòng rủi ro của nợ xấu. Thống kê cuối tháng 6/2021, thì những ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao như VCB (350%), TCB(260%), ACB(208%), và MBB (236%).
Việc để tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao giúp ngân hàng trích đủ dự phòng và có thể “write-off”, xóa nợ xấu khỏi bảng cân đối kế toán, khi đó quỹ dự phòng thấp xuống nhưng nợ xấu cũng thấp hơn. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao thì chất lượng tài sản càng tốt. Đây được coi là của để dành trong việc book lợi nhuận của các ngân hàng khi cần thiết. Và thời điểm cuối năm có lẽ sẽ nhiều nhà băng phải dùng đến.
Các nhà băng như BID, CTG, STB, TPB, SHB, …có mức bao nợ xấu chỉ xoay quanh ngưỡng 100% - 120% nên miếng bánh đề dành gần như rất thấp. Vì thế, tác động bởi các nợ xấu tiềm tàng sẽ gây biến động mạnh hơn đến chất lượng tài sản và ăn mòn lợi nhuận.
Việc giảm lãi cho vay: Mức độ ảnh hưởng cũng tương tự, đều cụ thể vào mỗi ngân hàng. Những ngân hàng có quy mô giảm lãi lớn, và tỷ lệ giảm cao thì lợi nhuận sẽ sụt giảm nhiều hơn. Như VCB chẳng hạn, mức giảm 1% đối với toàn bộ dư nợ có thể khiến VCB mất đi 7000 tỷ trong năm 2021, hay các ngân hàng nhỏ hơn cũng bị hao hụt vài trăm cho đến cả ngàn tỷ. Đánh giá chung cho vấn đề này thì nhóm ngân hàng có sự chi phối của nhà nước như BID, CTG, VCB là bị ảnh hưởng nhiều nhất do quy mô dư nợ lớn nhất, chỉ đạo trực tiếp từ NHNN và phải làm gương cho các NHTMCP tư nhân. Năm nay cũng là năm mà hệ thống ngân hàng nên “ngừng” báo lãi cao để tránh sự phản cảm trong bối cảnh rất nhiều DN lớn nhỏ đang gặp khó khăn chồng chất.
Thông thường giảm lãi suất đầu ra thì lãi huy động cũng được giảm theo, nhưng hiện đầu vào đang ở mức rất thấp rồi, nếu giảm thêm thì dòng tiền sẽ dịch chuyển nên các ngân hàng không dám mạo hiểm điều này. Chúng ta sẽ cần xem xét về chi phí đầu vào. Những ngân hàng như TCB, MBB, VCB có chi phí vốn khá thấp, nhờ tỷ lệ CASA cao sẽ đảm bảo được NIM ổn định hơn, từ đó tác động đến lợi nhuận từ hoạt động tín dụng cũng “đỡ” hơn các ngân hàng khác.
Để bù đắp cho việc mất mát từ 2 điều trên, các ngân hàng đã làm gì?
Tăng thu từ hoạt động phi tín dụng, mà Bancasurance là chủ lực: Nhờ tác động của đại dịch, đã cải thiện nhận thức của người dân về bảo hiểm và cũng là thời điểm banca bùng nổ mang lại nguồn thu rất tốt cho các ngân hàng. Cụ thể, tính đến năm 2020, Việt Nam có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm bình quân/GDP đến năm 2020 tối đa 3%. Dự báo tới năm 2025, ước tính sẽ có 15% dân số sẽ tham gia bảo hiểm nhân thọ với doanh thu dự kiến đạt 3,5% GDP. Điều này cho thấy, dư địa tăng trưởng của kênh banca vẫn còn rất lớn. Mảng banca cũng được dự báo sẽ là động lực tăng trưởng chính cho lợi nhuận của các ngân hàng trong năm 2021. Thậm chí có thể trở thành “vị cứu tinh” của các ngân hàng trong giai đoạn hoạt động tín dụng gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Vì thế, các ngân hàng đều đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mảng thu nhập từ phí banca, dù mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Nhiều ngân hàng có khoản thu lớn từ phí trả trước nhận được từ các thỏa thuận banca độc quyền như Vietcombank thu được 9.300 tỷ, còn ACB cũng thu được 8.500 tỷ, MSB thu được 3500 tỷ..Thu nhập từ hoạt động dịch vụ có biên LN lớn, và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thu nhập của các ngân hàng.
Nới room tăng trưởng tín dụng: Dưới tác động của những khó khăn trong đại dịch Covid, NHNN đã chấp thuận cho một số ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%, thay vì mức cao nhất là 10-12% được cấp ban đầu. Cụ thể, MBB được nâng room từ 10,5% lên 15%, VPB được nâng từ 8,5% lên 12%, VCB từ 10% lên 14%, STB từ 6,5% lên 10,5%, TCB từ 12% lên 17%....Điều này giúp các ngân hàng bù đắp được sự sụt giảm về chất lượng mà gia tăng được số lượng, phần nào bảo đảm được sự ổn định của kế hoạch lợi nhuận trong năm 2021.
Đánh giá chung cho các ngân hàng, thì những ngân hàng chịu tác động ảnh hưởng lợi nhuận bởi Covid và việc giảm lãi suất cho vay thấp như TCB, MBB, VCB, ACB…còn các nhà băng chịu ảnh hưởng giảm LN nhiều nhất như BID, CTG, VIB, TPB, STB, ABB, OCB, HDB.