"Cà khịa" Shark Bình, Elcom (ELC) của ông Phan Chiến Thắng có gì thú vị?

16-01-2023 14:22|Hồ Nga

Những “lời cà khịa” thú vị qua lại giữa 2 vị Chủ tịch của 2 công ty công nghệ lớn Elcom và Tập đoàn NextTech đang khiến giới công nghệ chú ý.

Những ngày này trên các diễn đàn mạng xã hội, đặc biệt là các diễn đàn của giới công nghệ đang rất thích thú với những “lời cà khịa” qua lại giữa 2 vị Chủ tịch của 2 công ty công nghệ lớn trong nước: Ông Phan Chiến Thắng - Chủ tịch HĐQT của Viễn thông Elcom và ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech. Lời “khiêu chiến”mà Shark Bình viết trên facebook ông Phan Chiến Thắng thú vị khi cả 2 vị Chủ tịch 2 công ty công nghệ này đều rất có tiếng tăm trong giới công nghệ.

“Drama” trong giới công nghệ vẫn chưa có hồi kết khi mà các thông tin của Elcom rất đầy đủ vì Elcom là doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán 10 năm nay với mã chứng khoán ELC, trong khi đó, NexTech là doanh nghiệp nhiều “ẩn số” khi không bắt buộc phải báo cáo ai. Đa phần người ta chỉ biết đến Nextech khi doanh nghiệp này sở hữu hàng loạt thương hiệu khá nổi cộm như mPoS, VIMO, Boxme, FaѕtGo, Ngân Lượng..

Vậy thì, để tự tin “cà khịa” NexTech, Elcom có gì thú vị?

CTCP Công nghệ - Viễn Thông Elcom (Elcom) tiền thân là Công ty TNHH Đầu tư phát triển công nghệ điện tử - viễn thông, thành lập ngày 15/12/1995. Khởi nguồn từ ý tưởng góp phần thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng viễn thông và công cuộc tin học hóa tại Việt Nam thời kỳ này của 5 chàng trai trẻ.

Trước khi thành lập năm 1995, các sáng lập viên của Elcom đã có thời gian ấp ủ, bắt đầu thực hiện những dự án từ năm 1993. Đến nay, cả 5 sáng lập viên vẫn đang đồng hành cùng Elcom, cùng trong Hội đồng quản trị công ty. Trong đó ông Phan Chiến Thắng là Chủ tịch HĐQT. Những sáng lập viên còn lại đều đang giữ những vị trí cấp cao như ông Ngô Ngọc Hà là Phó Tổng Giám đốc.

Đến tháng 7/2003 công ty chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng, do 5 cổ đông sáng lập. Công ty dần vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về các giải pháp công nghệ thông tin và cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông. Sở hữu đội ngũ nhân lực giàu năng lực và tinh thần thiện chiến, Elcom cung cấp các giải pháp công nghệ có độ khó cao cho các ngành kinh tế trọng điểm bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, an ninh quốc phòng, giao thông vận tải, giáo dục, y tế…

Năm 2004 ngay khi trở thành công ty cổ phần, Elcom cũng có sự thay đổi mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng và cơ cấu tổ chức. Cũng trong năm này Elcom tự hào khi Hệ thống hội nghị truyền hình đa điểm đầu tiên ra đời – Evision với hệ thống 28 điểm trở thành hệ thống Hội nghị truyền hình lớn nhất Việt Nam thời điểm đó.

Chỉ 10 năm sau đó Elcom đã lớn mạnh nhanh chóng, tăng vốn điều lệ lên hơn 22 lần, đạt 221,25. Cũng 10 năm sau ngày trở thành công ty cổ phần, Elcom quyết định tiến một bước tiến mới, đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh với mã chứng khoán ELC. Có tổng 22.125.000 cổ phiếu ELC “tham chiến” thời điểm đó.

Đưa cổ phiếu lên sàn, cũng đồng nghĩa đưa công ty vào một giai đoạn mới, minh bạch hơn, công khai hơn, nhiều cơ hội hơn nhưng cũng nhiều thách thức hơn. Thời điểm Elcom lên sàn, những cổ đông sáng lập vẫn gắn kết, là cổ đông lớn của Elcom. Cơ cấu sở hữu của các cổ đông sáng lập Elcom ngày lên sàn như bảng đính kèm.

Là công ty công nghệ, đưa cổ phiếu lên sàn từ rất sớm, nhưng Elcom không chạy theo “trend” tăng vốn ồ ạt. Cuối năm 2010 – năm đầu tiên công ty đưa cổ phiếu lên sàn, vốn điều lệ Elcom đạt xấp xỉ 293 tỷ đồng, và tăng vốn rất ít những năm sau đó. Đến năm 2017 vốn điều lệ công ty đạt mức 509,2 tỷ đồng và giữ nguyên đến nay.

Không tăng vốn điều lệ, nhưng tài sản gia tăng nhanh chóng, từ mức hơn 350 tỷ đồng năm 2007 lên trên 1.100 tỷ đồng vào năm 2010 và vẫn duy trì được tổng tài sản mức trên nghìn tỷ đồng đến nay, thời điểm cao nhất tổng tài sản công ty lên xấp xỉ 1.500 tỷ đồng.

Elcom gia tăng tài sản, điểm cộng là cơ cấu nợ phải trả trên tổng tài sản rất ổn định, tỷ trọng nợ thấp. Hiện tại Elcom đang duy trì tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản dưới 25%. Tình hình tài chính “khỏe mạnh” với việc đi vay nợ tài chính rất thấp. Tổng dư vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn đến 30/9/2022 còn chưa đến 6 tỷ đồng.

Quá trình hình thành, Elcom đã để lại nhiều dấu ấn về công nghệ trong quá trình nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới.

Năm 2011 Elcom bước chân vào thị trường giao thông với hệ thống quản lý giao thông trên biển VTS, năm 2012 làm chủ hoàn toàn công nghệ giám sát vệ tinh VSAT và vệ tinh Inmarsat phục vụ an ninh quốc phòng – đây cũng là năm tòa nhà Elcom tại phố Duy Tân của công ty được khánh thành. Elcom lọt TOP 30 doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam.

Năm 2015 công ty thành công với công nghệ phục vụ giao thông được ứng dụng rộng rãi như hệ thống hướng dẫn đỗ xe tự động, hệ thống đèn tín hiệu…. Năm 2016 Elcom hoàn thành việc triển khai dự án quan trọng đường trực truyền dẫn Bắc Nam cho đối tác chiến lược MobiFone. Elcom nhanh chóng trở thành doanh nghiệp dẫn đầu thị trường giao thông thông minh tại Việt Nam.

Năm 2017 công ty phát triển mảng sản phẩm và giải pháp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao EGREEN, nằm trong TOP 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất (Profit500).

Hiện nay nhắc tới giao thông đường bộ, hệ thống thu phí điện tử không dừng ETC do Elcom phát triển đang được lắp đặt, sử dụng trên các tuyến đường và trở thành giải pháp giao thông thông minh hiện đại được nhiều bên quan tâm.

Đặc biệt đối với y tế, hiện Elcom đang nghiên cứu và phát triển nền tảng kết nối thiết bị theo dõi và chăm sóc sức khỏe từ xa Televital. Nền tảng cho phép người bệnh tự theo dõi sức khỏe tại nhà một cách chủ động và liên tục. Nền tảng cũng có khả năng tích hợp với các thiết bị đo thông dụng hiện nay, hỗ trợ đo nhiều chỉ số như huyết áp, nhiệt độ, tiểu đường, SP02, ECG… giúp các bác sĩ xác định được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Ngoài ra bệnh nhân có thể kết nối với bác sỹ từ xa để điều trị y tế quả video nhờ Televital nhằm giảm tải hệ thống y tế hiện nay.

Đối với giáo dục, CoLearn - một ứng dụng học tập trực tuyến do Elcom phát triển đãn vượt mốc 100 nghìn người dùng khi mới ra mắt mấy tháng trong năm 2021 khi cả nước đang ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng bao gồm hàng nghìn câu hỏi giúp học sinh nâng cao kiến thức, giải đáp các thắc mắc.

Thời điểm trước khi đưa cổ phiếu lên sàn năm 2010, Elcom cũng phát triển nhanh chóng với chiến lược lấy nghiên cứu và làm chủ công nghệ làm kim chỉ nam cho việc tiến tới các sản phẩm đón đầu thị trường.

Elcom khẳng định được tên tuổi qua việc ký được hợp đồng với nhiều nhà cung cấp dịch vụ mạng như Công ty Thông tin di dộng VMS – MobiFone; Dự án cung cấp hệ thống Gphone; MyZone cho VNP; Dự án nâng cấp hệ thống MCA lên 10 triệu thuê bao cho VNP; hệ thống cung cấp MMSC/WAP gate way 500 TPS cho Viettel…

Cùng với đó, hiệu qủa kinh doanh của công ty tăng trưởng mạnh. Nếu như doanh thu năm 2007 mới hơn 271 tỷ đồng thì năm 2010 đã gần gấp 3 lần lên trên 750 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng nhanh chóng từ 23 tỷ đồng năm 2017 lên 170 tỷ đồng năm 2010. Năm 2010 cũng là năm đánh dấu công ty đạt mức lãi kỷ lục 170 tỷ đồng sau thuế nhờ có được “tệp” khách hàng lớn.

Tuy vậy những năm gần đây doanh thu vẫn duy trì được mức ổn định 600-900 tỷ đồng nhưng lợi nhuận đã dần giảm sút. Một trong những nguyên nhân Elcom nhận ra sớm là do thị trường viễn thông đã bước vào giai đoạn bão hòa. Dù công ty vẫn đạt mức doanh thu lớn nhưng sự cạnh tranh ngày càng cao. Lợi nhuận vẫn duy trì hàng chục tỷ mội năm nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Sau giai đoạn phát triển, thị trường viễn thông bước vào giai đoạn bão hòa, Elcom sớm nhận thấy điều đó và bắt đầu thay đổi chiến lược phát triển. Công ty định hướng theo mô hình Tập đoàn với 4 trụ cột chính bao gồm:

Mảng B1 bao gồm những hoạt động kinh doanh cốt lõi hiện hữu

Mảng B2 cung cấp các giải pháp công nghệ cho khách hàng doanh nghiệp

Mảng B3 cung cấp các ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực giáo dục (CoLearn), y tế (Vital Sign), sức khỏe (1SK) cho khách hàng cá nhân

Mảng B4 đầu tư và phát triển bất động sản

Elcom cho biết với sự thay đổi về cấu trúc này, công ty đang dần đa dạng hóa các danh mục khách hàng cũng như dần dịch chuyển các dịch vụ công nghệ theo hướng phát sinh định kỳ hơn, nhằm giảm độ biến động trong kết quả kinh doanh nếu chỉ phụ thuộc vào các dự án trúng thầu.

Elcom cũng cho biết những thay đổi này sẽ đòi hỏi công ty đầu tư lớn vào việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi nhằm bổ trợ cho những lĩnh vực kinh doanh mới này – là một thách thức mới cho đội ngũ nhân sự của công ty.

Doanh nghiệp sàn HoSE cạnh tranh cùng loạt nhà thầu để ‘giành slot’ trong dự án trọng điểm quy mô 11.000 tỷ đồng tại TP HCM

Cổ phiếu FPT, VGI, CMG 'chào thua' trước đà tăng của 1 công ty công nghệ đang chiếm lĩnh 'mỏ vàng' trên các đường cao tốc

Bài thuộc chủ đề Công nghệ, Truyền thông
Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ca-khia-shark-binh-elcom-elc-cua-ong-phan-chien-thang-co-gi-thu-vi-166256.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    "Cà khịa" Shark Bình, Elcom (ELC) của ông Phan Chiến Thắng có gì thú vị?
    POWERED BY ONECMS & INTECH