Theo dữ liệu của FiinPro, trong tuần giao dịch từ 22 - 26/11/2021, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị tăng 50% so với tuần trước đó và đạt 4.711 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán biến động tích cực trong tuần từ 22-26/11. Cụ thể, VN-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ở mức 1.493,03 điểm - tương ứng tăng 40,68 điểm (2,8%) so với tuần trước đó. HNX-Index cũng tăng 4,66 điểm (1%) lên 458,63 điểm. UpCOM-Index tăng 1,1 điểm (1%) lên 114,34 điểm.
Công đầu trong tuần qua phải kể tới sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sắc xanh chi phối nhóm cổ phiếu vua cùng sự đồng thuận tại một số cổ phiếu khác thuộc nhóm chứng khoán, bất động sản giúp VN-Index có thể tăng tốt.
Ngược lại, diễn biến phân hóa tại nhóm cổ phiếu midcap và penny sau chuỗi tăng "nóng", áp lực điều chỉnh đầu tuần khiến hàng loạt cổ phiếu quay đầu giảm điểm thậm chí là giảm sàn; tuy nhiên lực cầu đủ mạnh giúp một số cổ phiếu nhanh chóng quay đầu tăng mạnh các phiên sau đó, thậm chí là tăng hết biên độ.
Thanh khoản thị trường có phần giảm so với tuần trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 39.719 tỷ đồng/phiên - giảm 8,1% trong đó giá trị khớp lệnh giảm 10,6% và đạt 36.816 tỷ đồng/phiên.
Tương tự như các tuần trước đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn đóng vai trò quan trọng giúp thị trường chứng khoán đi lên trong bối cảnh khối ngoại vẫn duy trì đà bán ròng mạnh.
Theo dữ liệu của FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tuần mua ròng thứ 4 liên tiếp trên HOSE với giá trị tăng 50% so với tuần trước đó và đạt 4.711 tỷ đồng. Tính chung cả 4 tuần giao dịch vừa qua (từ đầu tháng 11) - giá trị mua ròng đạt tổng cộng 14.297 tỷ đồng. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì cá nhân trong nước mua ròng 4.265 tỷ đồng - tăng 41% so với tuần trước.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng khớp lệnh của cá nhân trong nước lớn nhất (Đơn vị: Tỷ đồng)
Cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất mã VPB với giá trị 1.046 tỷ đồng. HPG đứng sau với giá trị mua ròng gần 741 tỷ đồng. Hai cổ phiếu ngành chứng khoán là SSI và HCM cũng được mua ròng mạnh với giá trị lần lượt 494 tỷ đồng và 383 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, CTG bị bán ròng mạnh nhất với 317 tỷ đồng. KDH và KBC bị bán ròng lần lượt 202 tỷ đồng và 194 tỷ đồng.
Lợi nhuận 1,5 triệu đồng, hơn 90% vốn bị chiếm dụng, dòng tiền vào Aqua City Hòa Bình đã đi đâu?
Tỷ giá USD hôm nay 5/10: thị trường tiếp tục tăng, ngân hàng trái chiều nhau