Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT lần thứ 24 tại Quy Nhơn (Bình Định) là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm.
Hội thảo Hợp tác Phát triển Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam lần thứ 24 do Bộ TT&TT phối hợp với Hội Tin học Việt Nam, UBND tỉnh Bình Định tổ chức tại TP Quy Nhơn ngày 22/9.
Đây là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác giữa các Bộ, các ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước đối với các vấn đề của chuyển đổi số..., đồng thời là cơ hội để các địa phương trong cả nước gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi những mô hình đã triển khai thành công, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số ở địa phương, nhằm từng bước xây dựng chính quyền số hiện đại, đồng bộ, góp phần tích cực cho nhiệm vụ cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Sớm ban hành cơ sở dữ liệu dùng chung
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng phụ trách, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, 3 trụ cột chuyển đổi số gồm Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số có tính tương hỗ với nhau, khi thúc đẩy một trụ cột sẽ kéo theo phát triển những trụ cột còn lại.
Trong năm 2022, các chỉ số chuyển đổi số quốc gia đều đạt trên giá trị trung bình; 100% các bộ, tỉnh đều có chỉ số tăng so với năm 2021. Định hướng năm 2023 “Năm dữ liệu số”, các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng dữ liệu, triển khai nền tảng, phân tích dữ liệu.
Nhiệm vụ quý 4 năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức triển khai, đạt hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng đã giao, các kế hoạch chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt.
Ông Nguyễn Phú Tiến kiến nghị, từ nay đến cuối năm bộ, ngành, địa phương nào chưa ban hành cơ sở dữ liệu dùng chung thì xem xét sớm ban hành. Khi ban hành cơ sở dữ liệu dùng chung rồi thì phải xác định rõ trách nhiệm địa phương trong cơ sở dữ liệu đó...
Cùng với đó cần rà soát, hoàn hiện các văn bản pháp lý để làm sao giảm thiểu những văn bản giấy mà người dân và các cơ quan nhà nước phải sử dụng khi làm các thủ tục hành chính.
“Các bộ, ngành, địa phương quyết tâm làm sao rà soát các văn bản pháp lý để giảm thiểu thủ tục hành chính, giảm thiểu hồ sơ dựa trên kết nối chia sẻ dữ liệu. Chúng ta phải có kho dữ liệu dùng chung, để khi người dân đã cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước thì chỉ cung cấp một lần”, ông Tiến chia sẻ.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ định hướng phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giai đoạn tới; trao đổi, đề xuất kiến nghị các giải pháp nhằm triển khai nội dung về chuyển đổi số, dữ liệu số, các nền tảng, sản phẩm ứng dụng công nghệ…
Nâng cao hiệu quả xây dựng Chính quyền số
Chia sẻ trong phiên thảo luận của ban Dữ liệu và các nền tảng hỗ trợ nâng cao hiệu quả xây dựng Chính quyền số, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Sóc Trăng đã chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai, vận hành Trung tâm giám sát, điều hành IOC (Trung tâm IOC).
Ông Hạnh cho biết, 2 năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã và đang xây dựng, từng bước hoàn thiện Trung tâm IOC phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. Việc triển khai trung tâm IOC trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả ban đầu khá tích cực. Một số lĩnh vực số liệu khá đầy đủ, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo.
Theo ông Hạnh, về lâu dài thì xây dựng kho dữ liệu, ngắn hạn thì lựa chọn lĩnh vực có hiệu quả ngay để tạo hiệu ứng lan toả và phải làm theo yêu cầu của đơn vị sử dụng; quyết liệt, triệt để hoàn thiện từng sản phẩm một.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng dữ liệu số hiện nay vẫn còn khó khăn, vướng mắc. Đó là, dữ liệu còn rời rạc, phân tán, thiếu cập nhật; việc chia sẻ dữ liệu, nhất là của Trung ương cho địa phương là rất khó; Dữ liệu danh mục thiếu thống nhất, quá trình làm sạch dữ liệu tốn nhiều thời gian;…
Từ những khó khăn, vướng mắc, các đại biểu đề xuất, cần có các cơ chế bắt buộc các chủ quản chia sẻ dữ liệu; có quy định cụ thể thống nhất trong luật, trong Nghị định, thông tư của các ngành, các lĩnh vực về việc sử dụng dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, các hệ thống thông tin chuyên ngành để có giá trị chứng minh tương đương với văn bản giấy…
“Để đảm bảo các cơ sở được cập nhật, tôi đề xuất cần từng bước thay thế các thao tác báo cáo khi cập nhật dữ liệu. Nếu chúng ta thay thế được việc báo cáo bằng dữ liệu cập nhật thì các cơ sở dữ liệu sẽ dễ dàng cập nhật hơn, theo đúng như Bộ công an đánh giá là đúng - đủ - sạch - sống”, ông Trần Kim Kha, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bình Định đề xuất.
Hai thành tố cơ bản trong công cuộc chuyển đổi số
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số quốc gia cho biết, dữ liệu số và nền tảng số là hai thành tố cơ bản trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Dữ liệu được sinh ra từ các nền tảng và được khai thác bởi các nền tảng. Có dữ liệu thì nền tảng mới hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, các bộ ngành và địa phương cần tập trung kết nối chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này.
“Dữ liệu số không phải phần cứng cũng không phải phần mềm, không phải nền tảng số mà tài sản của các bộ, ngành, địa phương, là tài sản của quốc gia. Tôi mong muốn các bộ, ngành, địa phương thúc đẩy chuyển đổi số. Điều đầu tiên cần làm là tập trung phát triển dữ liệu ngành, dữ liệu địa phương mình. Cần tập trung kết nối chia sẻ dữ liệu, mở dữ liệu để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này. Dữ liệu càng được chia sẻ, càng được dùng nhiều thì càng tạo ra giá trị”, ông Dũng nói.
Tại hội thảo lần này, Hội đồng quản lý chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung đã công bố quyết định của Thủ tướng kết nạp Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Bình Định là thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung. |
Diễm Phúc
Hà Nội khảo sát sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp với 53 sở ngành, quận huyện
Thủ tướng: '5 đẩy mạnh' trong cải cách hành chính để huy động mọi nguồn lực cho phát triển